|
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Điện Biên được thành lập theo Quyết định 142/QĐ-HĐQT ngày 30/3/2004 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH, với chức năng tham mưu cho Trưởng ban đại diện Hội đồng Quản trị triển khai các hoạt động của NHCSXH, trong đó một trong những nhiệm vụ quan trọng là cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện nay, toàn huyện có 21 điểm giao dịch xã với 390 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại 100% các thôn bản trên địa bàn huyện - được ví như cánh tai nối dài của NHCSXH đã và đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa tăng cường chống dịch, vừa đẩy mạnh chuyển tải kịp thời, an toàn đồng vốn chính sách giúp người dân ổn định sản xuất.
NHCSXH huyện giao dịch tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên
Trong 6 tháng đầu năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đơn vị đã bám sát sự chỉ đạo của các cấp, các ngành và địa phương, triển khai các biện pháp phù hợp để phòng chống dịch như: Tổ chức sắp xếp và phân chia thời gian phục vụ khách hàng đến giao dịch tại trụ sở Ngân hàng và các điểm giao dịch xã; khử trùng nơi làm việc; thực hiện trang bị khẩu trang; đo thân nhiệt cho khách hàng và yêu cầu khách hàng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc thông điệp 5k của Bộ Y tế trong quá trình trước, trong và sau khi giao dịch vay vốn, nộp lãi, trả nợ cho ngân hàng... Cách làm linh hoạt, sáng tạo này đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên ngân hàng, đồng bào các dân tộc vốn là khách hàng truyền thống của ngân hàng; đồng thời đảm bảo đủ nguồn vốn giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Với những biện pháp linh hoạt, vận dụng phù hợp NHCSXH huyện Điện Biên đã khơi thông nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và những đối tượng chính sách khác. Hiện nay, NHCSXH huyện quản lý và triển khai 15 chương trình tín dụng như: Cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay giải quyết việc làm; cho vay đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; cho vay nhà ở xã hội...Đến ngày 30/6/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 535,7 tỷ đồng, tăng 28,9 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 2,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,54% tổng nguồn vốn, tăng 0,5 tỷ đồng, hoàn thành 166,7%% kế hoạch năm 2021. Tổng doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm đạt 96 tỷ đồng, với 2.070 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đến hết tháng 6/2021, tổng dư nợ đạt 535,3 tỷ đồng, tăng 28,5 tỷ đồng (+5,6%) so với cuối năm 2020, với 13.870 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục hỗ trợ tích cực để các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doang, nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ người dân khắc phục ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, có 2.070 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH huyện. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết và tạo việc làm cho trên 1.000 lao động là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng nông thôn. Trong đó, 02 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp trên 20 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng gần 800 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở khu vực nông thôn...
Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách găn với công tác phòng tránh dịch Covid - 19, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, triển khai các chương trình, chính sách cho vay mới đối với các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các xã điểm để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ vay vốn quản lý tốt đồng vốn vay, đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn các cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo đồng vốn sau giải ngân được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.