|
Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, ngành Thông tin và Truyền thông đã có những đóng góp tích cực và triển khai nhiều giải pháp từng bước xây dựng, phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông ngày càng đồng bộ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Xác định phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Huyện Điện Biên đã chủ động xây dựng, ban hành các quy hoạch phát triển lĩnh vực ngành Thông tin và Truyền thông và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin trong hoạt động của ngành và các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện. Đến nay, cơ bản các quy hoạch thuộc lĩnh vực ngành quản lý đã được xây dựng như: Quy hoạch phát triển báo chí; quy hoạch phát triển xuất bản, quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính, viễn thông; quy hoạch tổng thể phát triển CNTT; quy hoạch phát triển hạ tầng mạng viễn thông; quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của các doanh nghiệp…Việc hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý ngành đã góp phần tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, huy động các nguồn lực đầu tư và tạo động lực thúc đẩy hoạt động ứng dụng, phát triển hệ thống thông tin - truyền thông trên địa bàn. Huyện đã tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chú trọng phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, kịp thời truyền tải thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền đến cơ sở và người dân trên địa bàn.
Hệ thống thông tin và truyền thông từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng, phát triển đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn huyện.
Hàng năm Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch phát triển các lĩnh vực ngành Thông tin và Truyền thông, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động trên địa bàn phát triển theo đúng định hướng, đảm bảo hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển đồng bộ trên các vùng miền, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân. Các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật mạng viễn thông hiện đại, rộng khắp, chất lượng cao.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 01 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính, cung ứng cả chiều đi và chiều đến. Mạng lưới bưu chính phát triển nhanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ với chất lượng phục vụ được tăng cường, giá cước dịch vụ được kiểm soát. Toàn huyện có 01 bưu cục cấp II; 21 Điểm Bưu điện văn hóa xã. Chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân đạt 5.5km/điểm phục vụ; 21/25 xã có điểm bưu điện văn hóa xã; 25/25 xã có báo Đảng đọc trong ngày. Mạng lưới giao dịch bưu chính được mở rộng tới cơ sở giúp người dân ngày càng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ một cách nhanh chóng, hiệu quả. Ngoài các dịch vụ chuyển phát truyền thống thì các dịch vụ mới được triển khai như: Thu hộ tiền; nhận phát tiền chế độ cho các gia đình, cá nhân thuộc diện chính sách và các dịch vụ bưu chính công ích khác…
Trên địa bàn huyện có 03 nhà cung cấp với tổng số trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) là 230 trạm. 25/25 xã được phủ sóng di động 3G, 4G; 25/25 số xã có tuyến truyền dẫn cáp quang đến trung tâm xã.
Hạ tầng phát thanh - truyền hình được đầu tư, củng cố. Ngoài Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện còn có 05 Đài Truyền thanh cấp xã. Tỉ lệ phủ sóng phát thanh và truyền hình của tỉnh cả về diện tích và dân số đạt 100%. Hoạt động thông tin đối ngoại được đẩy mạnh thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tỉnh và huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó góp phần thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tạo sự ủng hộ của bạn bè trong nước và quốc tế. Thông tin cơ sở được quan tâm ngày càng khẳng định rõ vai trò là kênh thông tin chủ lực của Đảng và Nhà nước, tỉ lệ khu dân cư có đài và hệ thống loa truyền thanh đạt 60%. Với việc đa dạng hóa các loại hình thông tin, đến nay hoạt động thông tin, tuyên truyền trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, góp phần quan trọng trong việc truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó nâng cao nhận thức, tăng cường sự thống nhất tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy tiến bộ và an sinh xã hội.
Hệ thống hạ tầng CNTT phục vụ hoạt động cơ quan nhà nước từng bước được hoàn thiện. Huyện Điện Biên đang tích cực củng cố, đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải quyết công việc. Công tác ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực. Công nghệ thông tin trở thành công cụ làm việc hữu ích và không thể thiếu trong hoạt dộng của cơ quan nhà nước. 100% các cơ quan nhà nước có mạng LAN, kết nối Internet băng thông rộng. 100% cán bộ, CCVC tại các cơ quan chuyên môn được cấp hòm thư điện tử công vụ. Tỷ lệ cán bộ CCVC thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc đạt 95,8%. Tỷ lệ máy tính có kết nối Internet đạt 92%. 100% cơ quan, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các xã đã được kết nối với hệ thống Hồ sơ công việc của Ủy ban nhân dân huyện, trong đó 100% văn bản thường được trao đổi qua hệ thống hồ sơ công việc.
Hiện nay, huyện Điện Biên có 01 Trang thông tin điện tử tổng hợp để phục vụ điều hành, quản lý, cung cấp thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ ở mức độ 2. Trang thông tin điện tử huyện đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao công tác tuyên truyền; đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính, cung cấp các dịch vụ, dịch vụ hành chính công trực tuyến trên mạng để phục vụ người dân; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của huyện; Cập nhật và thông tin kịp thời đến các tầng lớp nhân dân về tình hình phát triển KT- XH, đảm bảo QP- AN và các vấn đề khác trên địa bàn; Thông qua Trang thông tin điện tử, thực hiện tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Quảng bá các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư và nâng cao vị thế của địa phương.
Nhằm nâng cao hơn nữa Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan Nhà nước, 25/25 xã thuộc huyện Điện Biên đã triển khai lắp đặt và đi vào hoạt động hệ thống giao ban trực tuyến kết nối từ cấp huyện đến các xã thuộc huyện. Việc triển khai hệ thống giao ban trực tuyến đã rút ngắn thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí tổ chức góp phân nâng cao chât lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Việc đầu tư phát triển hạ tầng CNTT đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp, các ngành và là nền tảng quan trọng để xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển hệ thống thông tin và truyền thông theo hướng hiện đại, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ngành Thông tin và Truyền thông huyện Điện Biên cần tăng cường công tác tham mưu, chủ động đề xuất với các sở ban, ngành xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quản lý ngành phù hợp với thực tế tại địa phương; tăng cường sử dụng thư điện tử công vụ; ứng dụng chữ ký số và văn bản điện tử trong các cơ quan nhà nước; tăng cường công tác quản lý đối với các đơn vị cung cấp, kinh doanh các dịch vụ viễn thông, các điểm truy cập Internet công cộng và cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở trong tình hình mới... Quy hoạch và quản lý tốt các hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Chỉ đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo thông tin, liên lạc, chỉ đạo điều hành. Đẩy mạnh triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ mới…
Để triển khai và ứng dụng hiệu quả các nhiệm vụ trong phát triển lĩnh vực Thông tin truyền thông nói chung và ứng dụng Công nghệ thông tin nói riêng thì nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị đóng một vai trò rất quan trọng. Trong thời gian tới, cần tăng cường nguồn nhân lực chuyên trách về Công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, chủ động, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho lực lượng Công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu triển khai thành công chính quyền điện tử tại tỉnh và huyện.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phải gắn với cải cách hành chính, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; thường xuyên theo dõi, đánh giá, xếp loại mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị. Làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin và truyền thông tại cấp huyện và cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông có tác động quan trọng đến vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Do vậy, cùng với sự nỗ lực của ngành Thông tin và Truyền thông, tất cả các cơ quan, đơn vị và địa phương cần gắn kết nhiệm vụ phát triển hạ tầng của mình với phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông. Có như vậy mới xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống thông tin và truyền thông từ huyện đến cơ sở, nhằm đảm bảo thông tin phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của huyện./.