|
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên, bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Dự báo từ ngày 07/9/2024 khu vực tỉnh Điện Biên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 270mm; trên địa bàn huyện Điện Biên có thể có mưa vừa, mưa to đến rất to, xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, nguy cơ gây ngập úng, sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét là rất cao.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng về người, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản và sản xuất của nhân dân; đồng thời triển khai thực hiện văn bản số 3960/UBND-KTN, ngày 05/9/2024 của UBND tỉnh Điện Biên về việc tập trung ứng phó khấn cấp cơn bão số 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh.UBND huyện Điện Biên đã ban hành văn bản hỏa tốc số 2000/UBND-NN, ngày 06/9/2024 về việcTập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3 năm 2024 trên địa bàn huyện, trong đó yêu cầu các phòng ban, cơ quan, đơn vị, đoàn thể huyện, UBND các xã thuộc huyện tập trung, quyết liệt, khẩn trương thực hiện một số nội dung như:
1. UBND các xã thuộc huyện
Tăng cường tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ; thực hiện nghiêm túc công tác trực ban 24/24h, tổng hợp báo cáo theo quy định. Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương, chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với mưa lũ. Trong đó:
- Tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung vào công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tại cơ sở, nhất là khu vực có nguy cơ ngập, lụt, úng, sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét... chuẩn bị phương án di chuyển các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm nêu trên.
- Chỉ đạo kiểm tra, rà soát ngay các kế hoạch, phương án về phòng, chống thiên tai của xã đã ban hành để tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; phân công nhiệm vụ các thành viên ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, các tổ, đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã sẵn sàng lực lượng để tham gia hoạt động phòng, chống, ứng cứu khi có thiên tai xảy ra, nhất là các khu vực xung yếu, thường xảy ra thiên tai.
- Bố trí các lực lượng thường trực tại các vị trí ngầm, tràn, đường qua suối để hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn, nghiêm cấm hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc không có đủ các thiết bị cứu sinh. Cấm người dân đi vớt củi, lội qua, đánh bắt cá... trên các sông suối khi đang có lũ. Rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp; triển khai các phương án đảm bảo cho các khu vực nuôi trồng thủy sản, các công trình hạ tầng kỹ thuật, các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Chỉ đạo Các lực lượng chức năng, đề nghị các đoàn thể xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, khuyến cáo người dân và các tổ chức, cá nhân thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn như: cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, các công trình công cộng, kho tàng...; đặc biệt, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc người dân trong những ngày mưa lũ không được ngủ trên đồi, trên nương, nhà ở có nguy cơ sạt lở để đề phòng sạt lở đất, đá gây thiệt hại về người.
2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (Cơ quan thường trực về PCTT-TKCN)
- Thực hiện nghiêm túc công tác trực ban 24/24h; chủ trì tổng hợp báo cáo nhanh, kịp thời tình hình thiên tai theo quy định; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện phương án ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; báo cáo, đề xuất UBND huyện chỉ đạo nhũng vấn đề vượt thâm quyền.
- Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, đôn đốc các xã chỉ đạo người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn sản xuất; trong đó, xem xét thu hoạch sớm rau màu, cây trồng có thể thu hoạch được; bảo vệ lúa và các cây trồng chưa thể thu hoạch, vật nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.
3. Ban chí huy Quân sự huyện, Công an huyện, các Đồn Biên phòng trên địa bàn huyện
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động rà soát phương án ứng phó và tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó với mưa lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
4. Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện
Chủ trì, phối hợp với các xã, cơ quan liên quan tổ chức triển khai rà soát các tuyến đường giao thông do cấp huyện quản lý có nguy cơ về sạt lở để có phương án cắm biển cảnh báo tạm thời; tham mưu, đề xuất phương án kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, xử lý ngay khi có sạt, lở xảy ra nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt, an toàn nhất, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu.
5. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện
Tổ chức thực hiện tốt phương án phòng ngừa, ứng phó với thiên tai tại các trường học thuộc cấp huyện quản lý bảo đảm an toàn trước mọi tình huống thiêntai; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh, giáo viên bằng nhiều hình thức các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, phòng tránh, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá...
6. Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện
Chủ động theo dõi, cập nhật diễn biến của bão số 3 để tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
7. Thủ trưởng các phòng ban, cơ quan, đơn vị, các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chủ động triển khai công tác ứng phó với bão số 3 và mưa lũ theo quy định.