|
Tính đến tháng 09/2023, cả nước xảy ra 2.031 vụ cháy, làm 140 người chết, 150 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 640 tỷ đồng; xảy ra 08 vụ nổ, làm 05 người chết, 21 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 50 tỷ đồng. Trong đó có những vụ cháy, nổ gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và không có khả năng khắc phục, điển hình như: Vụ cháy nhà ở tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội vào ngày 13/5 (làm 04 người tử vong, trong đó có 3 trẻ em); vụ cháy tiệm sửa xe tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vào ngày 31/8 (làm 04 người chết, trong đó có 03 mẹ con và 01 người dân); vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội vào ngày 12/9 (làm chết 56 người và 70 người bị thương). Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tính đến tháng 09/2023 đã xảy 13 vụ cháy và 03 vụ sự cố cháy; làm 01 người chết, 02 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4,5 tỷ đồng, điển hình là vụ cháy tại cơ sở Quà Tây Bắc - Đặc sản Điện Biên thuộc tổ dân phố 5, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ vào ngày 15/9, ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 3 tỷ đồng. Riêng địa bàn huyện Điện Biên từ đầu năm đến nay đã xảy ra 02 vụ cháy (01 vụ cháy nhà; 01 vụ cháy tại trung tâm cai nghiện bắt buộc) thiệt hại ước tính 210 triệu đồng.
Từ tình hình trên, để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, UBND huyện Điện Biên đã ban hành các văn bản như: Kế hoạch số 550/KH-UBND, ngày 17/3/2023 của UBND huyện về việc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; Công văn số 2131/UBND-CA, ngày 29/8/2023 của UBND huyện về đẩy mạnh thực hiện phong trào “Mỗi hộ gia đình tự trang bị một bình chữa cháy” và các văn bản khác có liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy.
Theo đó các phòng, ban, cơ quan, đoàn thể huyện; các cơ quan ngành dọc đứng trên địa bàn và UBND các xã thuộc huyện cần thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm như:
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý. Quan tâm đầu tư các trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy; hằng năm tổ chức thực tập, diễn tập các phương án chữa cháy sát với tình hình và điều kiện thực tế; củng cố, kiện toàn lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng dân phòng, kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ việc và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan khi để xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại cơ quan, đơn vị, địa bàn được giao phụ trách.
- Tổ chức tổng kiểm tra, rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy tại các nhà cao tầng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, chung cư mini, nhà trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao...để đánh giá chính xác thực trạng và kịp thời phát hiện chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
- Xác minh, làm rõ nguyên nhân tất cả các vụ cháy; căn cứ tính chất, mức độ đề nghị xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tổ chức rút kinh nghiệm vụ cháy, kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn cứu hộ.
- Đẩy mạnh công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cả về số lượng và chất lượng cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng dân phòng và các đối tượng khác theo quy định. Duy trì, bảo đảm chế độ thường trực chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, xây dựng các biện pháp, phương pháp chữa cháy, cứu nạn cứu hộ kịp thời; bảo đảm các dụng cụ, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ luôn sẵn sàng để ứng phó khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Hằng năm tham mưu tổ chức diễn tập, thực tập các phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp huyện có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.
- Tăng cường kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke theo thẩm quyền. Kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trước khi cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; rút giấy phép kinh doanh ngay đối với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC, an ninh trật tự theo kiến nghị của cơ quan Công an hoặc các cơ quan có thẩm quyền.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thực hành, diễn tập kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH cho học sinh trong các cơ sở giáo dục.
- Xây dựng và phát huy, nhân rộng các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”, “Khu dân cư an toàn PCCC”, “Tiếng kẻng an toàn PCCC”, phát huy hiệu quả tại các khu dân cư, thôn, bản. Chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC sâu rộng, với phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành. Tăng cường phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn PCCC, CNCH, thoát nạn cho người dân; phấn đấu trong năm 2023 mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 01 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và CNCH; 100% người làm nhiệm vụ PCCC tại các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải được tổchức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật. Vận động mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy; 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC và chuẩn bị các phương tiện cần thiết để sẵn sàng chữa cháy, CNCH tại chỗ, ngay từ cơ sở.