Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 13 (tháng 11/2007) ở Singapore. Hiến chương đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12/2008 sau khi được cả 10 quốc gia thành viên phê chuẩn.
Như vậy, phê chuẩn Hiến chương ASEAN, các nước thành viên ASEAN từ đây không chỉ thực hiện các cam kết trong ASEAN bằng thiện chí hợp tác và tinh thần tự nguyện mà còn có nghĩa vụ pháp lý phải tuân thủ. Với Lời nói đầu, 13 chương và 55 điều, Hiến chương ASEAN đã bao hàm tất cả những nguyên tắc cơ bản của ASEAN như tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của các nước thành viên; từ bỏ xâm lược, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc bất kỳ hành động nào trái với luật pháp quốc tế; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình...
Ðồng thời, Hiến chương cũng bổ sung một số nội dung và nguyên tắc mới như: trao tư cách pháp nhân cho tổ chức ASEAN, tăng cường tham vấn về những vấn đề lớn có ảnh hưởng đến lợi ích chung của ASEAN; không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào nhằm sử dụng lãnh thổ của một nước thành viên đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự ổn định kinh tế của các nước thành viên khác...
Ðiều quan trọng hàng đầu là Hiến chương khẳng định lại tính chất của ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực liên chính phủ và nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các nước thành viên.
Hiến chương ASEAN (ASEAN Charter) (Nguồn: localbooks)
Thứ hai, Hiến chương đánh dấu một bước tiến mới về khuôn khổ thể chế và bộ máy hoạt động của ASEAN theo hướng rõ ràng hơn và khoa học hơn. Trước hết là thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Một phần lớn của Hiến chương được dành cho cụ thể hoá việc tiến hành các hoạt động của ASEAN, xác định mục tiêu và các nguyên tắc của ASEAN và mối quan hệ giữa các thành viên. Hiến chương cụ thể hoá các vấn đề thành viên, vạch ra chức năng và trách nhiệm của các cơ quan ASEAN khác nhau. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò của Tổng Thư ký và Ban Thư ký ASEAN. Khuôn khổ thể chế đầy đủ và chặt chẽ hơn với quy chế phân công, phân nhiệm rõ ràng nêu trong Hiến chương ASEAN sẽ góp phần tăng cường hiệu quả và hiệu lực của các chương trình hợp tác trong ASEAN trong thời gian tới.
Thứ ba, Hiến chương ASEAN là một nhu cầu tất yếu khách quan và là bước chuyển giai đoạn quan trọng của Hiệp hội sau 40 năm tồn tại và phát triển, phản ánh sự trưởng thành của ASEAN. Hiến chương ASEAN sẽ làm cho tổ chức ASEAN có tư cách pháp nhân và đưa đến những thay đổi lớn về tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của ASEAN
Cuối cùng, việc xây dựng và ký kết Hiến chương thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước ASEAN, nhất là của các vị Lãnh đạo về mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn và vững mạnh hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương, để hỗ trợ cho mục tiêu hòa bình và phát triển của cả khu vực cũng như từng nước thành viên./.