|
Hiện nay các trà lúa mùa ở huyện Điện Biên đang ở thời kỳ đẻ nhánh rộ đến đứng cái làm đòng. Trên đồng ruộng, sâu cuốn lá nhỏ và tập đoàn rầy đang gia tăng gây hại. Để ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ cây trồng, hoàn thành thắng lợi kế hoạch vụ mùa 2016, các xã và nhất là các hộ nông dân cần phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời không để lây lan thành dịch.
Vụ lúa mùa 2016, huyện Điện Biên gieo cấy 6.300 ha, đến nay hầu hết các trà lúa mùa của huyện Điện Biên đều sinh trưởng và phát triển tốt; trà lúa mùa sớm và trà chính vụ đang ở giai đoạn đòng già đến trỗ bông, trà muộn đang ở giai đoạn kết thúc đẻ nhánh tới phân hóa đòng. Trong thời gian vừa qua do mưa lớn kéo dài, kèm theo giông lốc đã ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng của cây lúa. Theo Trạm bảo vệ thực vật huyện Điện Biên, tính tới ngày 25/8/2018, trên toàn bộ diện tích lúa mùa huyện Điện Biên đã có 1.100 ha nhiễm các đối tượng dịch hại. Cụ thể, tập đoàn rầy lứa 7 đang phát sinh gây hại cục bộ, tập trung chủ yếu ở các chân ruộng gieo cấy dầy; sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá gây hại mạnh trên trà lúa sớm và trà chính vụ.
Dự báo, trong khoảng từ ngày 26 – 30/8, các đối tượng dịch hại trên lúa gia tăng về mật độ và tỷ lệ gây hại. Cụ thể đối với sâu cuốn lá lứa 6 sẽ nở rộ trên các trà lúa; tập đoàn rầy lứa 8 gây hại mạnh trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 25/9, với mật độ trung bình 30 - 50 con/m2, nơi cao 100 - 150 con/m2, do vậy các xã trong huyện cần theo dõi sát diễn biến dịch hại, phát hiện và tổ chức phòng trừ kịp thời. Để phòng trừ sâu cuốn lá hiệu quả, nông dân cần sử dụng các loại thuốc BVTV có chứa hoạt chất Emamectin benzoate, Cypenmethrin ví dụ như thuốc Emaben 3.6WG, Dragon 585EC. Thời điểm phun thuốc phòng trừ 28 đến 5/9/2016. Đối với tập đoàn rầy, nông dân lên sử dung các loại thuốc Bassa 50EC, Chess 50WG.
Dự báo, lượng mưa từ nay đến cuối vụ vẫn còn lớn làm cho lá lúa bị dập nát, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn bạc lá, đốm sọc vi khuẩn xâm nhập vào cây. Trạm BVTV huyện Điện Biên khuyến cáo các xã cần chỉ đạo bà con nông dân tập trung vào khâu chăm sóc, điều tiết nước hợp lý, bón thúc phân kali khi lúa bắt đầu phân hóa đòng; không bón đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng và không sử dụng phân bón qua lá nhằm hạn chế thấp nhất sự phát sinh của các đối tượng sâu bệnh hại.
Để hướng tới một vụ mùa bội thu, góp phần hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2016, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong giai đoạn này, các xã và nhất là các HTX nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện cần chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa mùa theo đúng hướng dẫn. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời sự phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh. Tổ chức, đôn đốc, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại khi đến ngưỡng theo nguyên tắc đúng, đủ, an toàn và hiệu quả. Đối với các cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc kinh doanh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định; tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để bảo vệ môi trường sinh thái./.