Vừa qua, UBND TP.Hà Nội ban hành Công văn 2975 về việc phối hợp triển khai thi hành Luật Cư trú năm 2020.
Theo công văn, để việc triển khai Luật Cư trú thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho công dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các biện pháp, phương thức thông tin đến công chức, viên chức, NLĐ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính… về các phương thức sử dụng thông tin công dân thay cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện TTHC, giao dịch dân sự, bao gồm:
- Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.
- Sử dụng thiết bị đọc mã QR code trên thẻ CCCD có gắn chíp.
- Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD.
Sử dụng CCCD gắn chíp thay cho hộ khẩu. Ảnh: TP
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn để công dân biết về giá trị sử dụng của Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các thông tin sử dụng thay để chứng minh về cư trú.
Cụ thể, sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú có giá trị sử dụng đến hết 31-12-2022. Khi công dân đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú thu Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp. Đồng thời điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính.
Ngoài ra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các cách thức sử dụng thông tin công dân thay thế như: (1) Dùng Căn cước công dân gắn chíp; (2) Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện giao dịch dân sự, thủ tục hành chính; (3) Sử dụng ứng dụng VNEID để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự; (4) Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú; (5) Sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và (6) Sử dụng thông báo số định danh cá nhân.