Dự Hội nghị có các đồng chí: Thượng tá Lường Văn Dũng – Phó Trưởng Công an huyện; Hoàng Hữu Chính – Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện; cùng các đồng chí đại diện Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội huyện, Bưu điện huyện, các Ngân hàng thương mại đứng chân trên địa bàn huyện, Lãnh đạo, công chức, Công an các xã trên địa bàn huyện.
(Quang cảnh Hội nghị)
Tại Hội nghị, đại diện BHXH huyện đã thông qua Kế hoạch phối hợp thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền tảng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trên địa bàn huyện Điện Biên.
(Đại diện BHXH huyện triển khai một số nội dung tại Hội nghị)
Kế hoạch triển khai với mục đích tuyên truyền để người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, chính quyền các cấp, các ngành về ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và phổ biến đến toàn thể người dân trên địa bàn huyện các nội dung giải pháp ứng dụng này, từ đó tăng tỉ lệ người nhận các chế độ BHXH qua phương thức TTKDTM theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn huyện về ý nghĩa, tầm quan trọng của ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua phương thức TTKDTM, tạo điều kiên đê người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi. Kết nối cơ sở dữ liệu chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền cơ sở dừ liệu quốc gia về dân cư tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách BHXH, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đăc biệt là chi trả qua phương thức TTKDTM. Rà soát, xác thực người hưởng, tình trạng người hưởng để đảm bảo quản lý người hưởng chặt chẽ; chi trả đúng người hưởng, đúng chế độ, tránh lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm.
(Đại diện chi nhánh Ngân hàng Công thương phát biểu tại Hội nghị)
Theo báo cáo tại Hội nghị, toàn huyện có 2.426 người hưởng hưu, trợ cấp BHXH; đã thực hiện chi trả qua tài khoản (không dùng tiền mặt) 942 người, chiếm 39% người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Việc thúc đẩy chính sách chi trả lương hưu, chế độ BHXH không dùng tiền mặt mang lại thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và người dân, giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý chi trả.
Để triển khai có hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, tại hội nghị các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đánh giá những khó khăn liên quan đến giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời gian tới cũng như phương án phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.
(Đ/c Thượng tá Lường Văn Dũng – Phó Trưởng Công an huyện phát biểu, triển khai nhiệm vụ tại Hội nghị)
Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Thượng tá Lường Văn Dũng – Phó Trưởng Công an huyện nhấn mạnh việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng trong việc đồng bộ, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về dân cư, đồng thời góp phần đẩy nhanh cũng như hạn chế tiêu cực trong quá trình chi trả. Đồng chí yêu cầu các cơ quan cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, báo cáo, tham mưu UBND huyện chỉ đạo kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện. Trước mắt, cần tăng cường rà soát, làm sạch dữ liệu đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời có phương án ưu đãi về phí dịch vụ cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH khi mở, sử dụng tài khoản. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH mở và sử dụng tài khoản, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ tài chính cơ bản để người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hiểu ý nghĩa cũng như các tiện ích của việc của thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó đồng tình, ủng hộ và chủ động mở tài khoản để thực hiện giao dịch./.