Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Với tính chất là một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, Hội Nông dân huyện Điện Biên có chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong những năm qua, Hội Nông dân huyện luôn xác định tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Vì vậy luôn chủ động, tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chú trọng xây dựng các mô hình Chi, Tổ Hội nông dân nghề nghiệp, theo phương thức "5 tự", "5 cùng", góp phần đẩy mạnh quá trình tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã của Hội và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các cấp Hội trên địa bàn huyện đã tích cực đổi mới phương thức tập hợp hội viên, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Đến nay, toàn huyện có 12 chi hội nghề nghiệp, 08 tổ hội nghề nghiệp với 360 hội viên tham gia sinh hoạt; bên cạnh đó, Hội phối hợp, vận động, hướng dẫn thành lập 6 hợp tác xã với 41 thành viên tham gia, trong đó có 34 thành viên là hội viên nông dân. Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn huyện được thành lập theo phương thức tập hợp hội viên nông dân vào các chi Hội nông dân nghề nghiệp, tổ Hội nông dân nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc “5 tự” - Tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệmvà “5 cùng”quá trình hoạt động đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên trong cùng chi, tổ hội. Hội viên tham gia chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp được hỗ trợ kiến thức, được cung cấp, trao đổi thông tin giá cả thị trường, các loại giống cây con, được chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất… đã mang lại lợi ích thiết thực và nhu cầu chính đáng của hội viên nông dân. Có chi hội đã chủ động phối hợp với HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (như chi hội nghề nghiệp “trồng lúa” bản Noong Vai xã Thanh Yên phối hợp liên kết sản xuất với HTX Nông nghiệp tổng hợp Thanh Yên sản xuất lúa chất lượng cao), một số chi hội liên kết với các tiểu thương, chợ đầu mối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh.
Thông qua các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tư duy, nhận thức, hành động về liên kết, hợp tác trong sản xuất nâng cao, mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên, hội viên với doanh nghiệp thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã chặt chẽ hơn. Kết quả xây dựng các chi Hội, tổ Hội nông dân nghề nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của tổ chức Hội Nông dân trong huyện. Để khuyến khích hội viên tham gia vào các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân huyện đã đổi mới cách làm. Đó là ưu tiên hỗ trợ cho vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đối với thành viên của các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Hiện nay, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân huyện đang quản lý là 5,71 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Trung ương Hội ủy thác 3,38 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh cấp 900triệu đồng, nguồn cấp huyện quản lý trên 1,43 tỷ đồng. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nên các mô hình đều phát huy được hiệu quả đồng vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ hội viên.Ngoài ra Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hơn 3.460 lượt hộ gia đình hội viên, nông dân vay vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ với tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách Ngân hàng CSXH huyện uỷ thác đến nay là 229,011 tỷ đồng.
Phối hợp với Phòng LĐTB&XH, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho hơn 4.500 lượt hội viên, nông dân trên địa bàn huyện giúp hội viên, nông dân nâng cao kiến thức về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn. Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, nông dân thông qua các gian hàng trưng bày sản phẩm của hội viên. Việc hình thành và phát triển chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã thể hiện được vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Chi hội hoạt động theo nguyên tắc "5 tự, 5 cùng". Cụ thể: “5 tự” là tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và “5 cùng” cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ; Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội viên với nông dân toàn xã trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, nhanh và bền vững. Khẳng định vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho kinh tế hộ trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, tiếp cận thị trường.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Điện Biên tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; Đẩy mạnh thành lập chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp mới trong các bản, khu vực dân cư, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị; Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, chi, tổ hội theo hướng thiết thực nhằm thực hiện dân chủ, phát huy tính tự nguyện, tự giác của hội viên nông dân; Lấy hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp gắn với xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới./.