• Nâng cao chất lượng bài viết phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Tạp chí Tuyên giáo
  • Thời gian đăng: 14/09/2020 08:19:17 AM
  • Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35-NQ/TW về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cả hệ thống tuyên giáo phải tập trung làm tốt là: phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...
  • TCTG-1.jpg
    Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng bài viết phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Tạp chí Tuyên giáo” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 26/11/2019. (Ảnh: Tuấn Anh)

    1. Phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những lĩnh vực trọng yếu của công tác tư tưởng - văn hóa nhằm bảo vệ vững chắc chế độ và an ninh quốc gia. Đây là vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, kiên quyết, kiên trì của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò to lớn của các cơ quan báo chí - truyền thông.

    Từ năm 1991 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, trong đó có công tác đấu tranh tư tưởng. Tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia đã thể hiện rõ về quan điểm, mục tiêu, chủ trương, nhiệm vụ trong văn kiện các Đại hội VII (1991), Đại hội VIII (1996), Đại hội IX (2001), Đại hội X (2006), Đại hội XI (2011) và Đại hội XII (2016). Trong các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đã ban hành một số Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực quan trọng này như Nghị quyết Trung ương 8 Khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”Nghị quyết Trung ương 5 Khóa X về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”...  

    Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa X của Đảng về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới” đã nêu rõ: “Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới…; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng”(1)

    Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”. 

    Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 Khóa XII nhấn mạnh: “...Chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

    Chỉ đạo công tác đấu tranh tư tưởng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Những luận điệu của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị… tuy không có gì mới, nhưng nó được tung ra, truyền bá vào lúc này là hết sức độc hại, nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong nội bộ ta, tác động hòng làm đội ngũ ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”(2).

    Đặc biệt, trước các hoạt động chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động cùng những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" (Nghị quyết 35).

    Nghị quyết 35 nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

    Quán triệt Nghị quyết 35 tại Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 7-2019 vừa qua, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là vấn đề mang tính quy luật. Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề quan trọng này.

    Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị cả hệ thống tuyên giáo phải tập trung làm tốt là: phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...

    Theo đó, lực lượng báo chí nói chung, trong đó có Tạp chí Tuyên giáo đã và đang tập trung vào những nội dung: Thứ nhất, đấu tranh phê phán, phản bác các luận điệu phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin. Thứ hai, đấu tranh phê phán, phản bác các luận điệu tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ ba, đấu tranh phê phán, phản bác, vạch trần các luận điệu chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thứ tư, đấu tranh phê phán, phản bác các luận điệu phủ nhận thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thứ năm, đấu tranh chống xuyên tạc lịch sử, phản bác các luận điệu “viết lại lịch sử”, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao.

    Ngoài những nội dung đấu tranh trực tiếp “chính diện”, việc tăng cường các bài viết lý luận - thực tiễn trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm khẳng định, phản ánh những kết quả, thành tựu trên mọi lĩnh vực của công cuộc đổi mới; coi trọng giá trị quyền con người, quyền công dân; nêu gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết quả đạt được trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... đã tích cực góp phần vào đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng.

    Phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là quá trình liên tục trên cơ sở kế thừa, phát huy những nội dung đã tiến hành trước đây, nhưng luôn đòi hỏi phải đổi mới, cải tiến cho phù hợp với tình hình - đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay - nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh tư tưởng trước những phương thức, thủ đoạn chống phá mới của các thế lực thù địch.

    Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, có thể nói, công tác đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong hệ thống báo chí của chúng ta còn thiếu “sức mạnh tổng thể”, chưa “tới tầm”, hạn chế về tính thuyết phục... Điều này khiến cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức sâu sắc và nhận diện được bản chất đúng - sai, tính chất xuyên tạc - phản động và âm mưu xấu độc của các quan điểm sai trái, thù địch; chưa có ý thức tự giác, chủ động đấu tranh, phê phán, phản bác, vạch trần mưu đồ của các phần tử cơ hội chính trị, phản động; chưa ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hóa, giảm thiểu được các tác động, ảnh hưởng của các quan điểm sai trái; niềm tin của không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, với chế độ còn dao động.

    Vì thế, làm thế nào để nâng cao chất lượng bài viết phê phán, phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên báo chí nói chung, Tạp chí Tuyên giáo nói riêng là vấn đề tuy không mới, nhưng luôn mang tính cấp thiết, đòi hỏi phải có sự “cập nhật” thường xuyên, liên tục. Và tất nhiên, để tìm được câu trả lời - giải pháp cặn kẽ, cụ thể, khoa học là không hề dễ dàng.   

    2. Là cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Tuyên giáo (Tạp chí) có chức năng tuyên truyền, định hướng thông tin và là diễn đàn trao đổi lý luận - thực tiễn về những vấn đề liên quan đến công tác tuyên giáo. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nhiệm vụ được quy định cụ thể trong Quyết định của Ban Tuyên giáo Trung ương về chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Tuyên giáo.

    Với 2 ấn phẩm chính là Tạp chí in (phát hành hằng tháng) và Tạp chí điện tử, trong những năm qua, cùng với các cơ quan báo, tạp chí trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, Tạp chí đã tích cực chủ động tham gia vào quá trình đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

    Luôn bám sát sự chỉ đạo của Lãnh đạo Ban, Tạp chí đã triển khai xây dựng các chuyên trang, chuyên mục liên quan đến nội dung đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên các ấn phẩm. Theo đó, Tạp chí Tuyên giáo thường xuyên xây dựng kế hoạch triển khai các bài viết mảng đề tài phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

    Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, Tạp chí đã đăng tải hơn 200 bài viết trực tiếp và gián tiếp tham gia đấu tranh phê phán, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, tập trung vào  những chủ đề, vấn đề: Bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; phân tích, lý giải kinh tế thị trường định hướng XHCN và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; quyết tâm đổi mới tư duy, phát triển lý luận của Đảng ta; quyết tâm của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quyết tâm bảo vệ chủ quyền, biển, đảo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; phê phán, phản bác các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; chống các biểu hiện lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để nói xấu chế độ; phê phán các biểu hiện coi thường những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; đấu tranh với các biểu hiện lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để chống lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi dụng những mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội để đả kích, phê phán chế độ; đấu tranh phê phán, phản bác những biểu hiện xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử cách mạng, lịch sử đất nước…    

    Về phương thức, các tuyến bài phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên cả hai ấn phẩm in và điện tử được thể hiện dưới những thể loại - dạng bài viết chính luận, bình luận, phản ánh hoặc phiếm chỉ.

    Các bài chính luận thường đăng trên các chuyên mục: “Định hướng công tác tuyên giáo”“Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” “Nghiên cứu - Trao đổi”, khẳng định quan điểm của Đảng, các thành tựu của đất nước, nhất là thành tựu trên các lĩnh vực mà kẻ địch thường dễ lợi dụng để tấn công, phê phán chúng ta. Ví dụ, thành tựu về phát triển hệ thống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đây là những bài có tính tổng kết, nhân dịp kỷ niệm hoặc những sự kiện quan trọng của đất nước. Đó còn là những bài chính luận phân tích quan điểm của Đảng, Nhà nước ta như vấn đề nhân quyền, dân chủ, vấn đề cung cấp thông tin cho nhân dân…

    Các bài phản ánh đăng tải chủ yếu trên chuyên mục “Học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”(trên ấn phẩm điện tử là chuyên mục“Theo gương Bác)“Những vấn đề xã hội”“Văn hóa - Văn nghệ” (trên ấn phẩm điện tử là chuyên mục “Văn hóa - Xã hội”)“Thực tiễn - Kinh nghiệm”… có tác dụng gián tiếp phản bác, chống lại các luận điệu sai trái, thù địch.

    Các bài bình luận, chính luận thể hiện sự chủ động, tích cực tiến công của chúng ta đối với kẻ địch thông qua việc vạch trần và phê phán, đả kích các quan điểm xuyên tạc, bóp méo của kẻ địch. Loại bài viết này khá tiêu biểu cho dạng bài đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Tạp chí Tuyên giáo in, thể hiện rõ ý đồ “chống” lại các âm mưu và hoạt động nhằm “diễn biến hoà bình” của kẻ địch, cũng như tính chiến đấu cao, tính thuyết phục của Tạp chí Tuyên giáo trong mảng đề tài này.

    Việc sắp xếp, bố trí theo chuyên mục, ngoài xây dựng chuyên mục "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trên cả hai ấn phẩm in và điện tử, tập trung các bài viết mảng đề tài phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nói chung vào chuyên mục này; các bài viết còn được bố trí ở nhiều chuyên mục khác nhau như Định hướng công tác tuyên giáo, Nghiên cứu - Trao đổi, Thực tiễn - Kinh nghiệm, Cùng suy ngẫm... Điều này xuất phát từ thực tiễn: Lượng bài trực tiếp phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa nhiều, cộng tác viên còn ít, nếu để riêng chuyên mục sẽ khó duy trì thường xuyên.

    Ngoài những bài viết theo kế hoạch và "phản ứng nhanh" - cập nhật trước những vấn đề "nóng" mà các thế lực thù địch, phản động lợi dung để xuyên tạc, chống phá; số lượng, phân bổ bài viết nhìn chung đã được triển khai tương đối đều theo từng số Tạp chí in và theo "thời lượng" trên Tạp chí điện tử. Bên cạnh số bài viết mới (chiếm 40% trên cả hai ấn phẩm), số bài còn lại được khai thác "đan xen" chọn lọc, phù hợp từ các báo, tạp chí có thế mạnh, uy tín. Sự chênh lệch giữa lượng bài viết mới và bài viết khai thác do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do chuyên mục đặc biệt “kén” người viết. Số cây viết “sở trường” lĩnh vực này lại tham gia cộng tác ở nhiều báo, tạp chí khác nhau, nhiều bài viết có nội dung khá trùng lắp. Chính vì vậy, việc Tạp chí tìm các bài viết hay, có sức hấp dẫn, thuyết phục và chiến đấu cao trên các báo, tạp chí khác, đặc biệt là báo Quân đội Nhân dân, Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản… để đăng tải, cũng góp phần tuyên truyền đậm nét và tạo sức lan tỏa cao cho những bài viết có giá trị này.

    Về cơ bản, tuyến bài phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Tạp chí đã từng bước được nâng cao về số lượng và chất lượng. "Mật độ" bài viết trên cả hai ấn phẩm ngày càng đều, đầy đặn và bố trí hợp lý hơn; nội dung ngày càng hấp dẫn, thuyết phục hơn (thể hiện qua sự "đo đếm" từ phản hồi và lượng "view" của bạn đọc). Tính hiệu quả được nâng lên, thể hiện ở một số khía cạnh:  

    Thứ nhất, góp phần định hướng dư luận xã hội. Thông qua hai phương thức cơ bản nhất là thông tin và bình luận, Tạp chí đã góp phần định hướng dư luận xã hội.

    Trong bối cảnh sự hội tụ công nghệ thông tin truyền thông cho phép bất cứ ai cũng có thể đưa được thông tin lên mạng, kể cả các thông tin không được kiểm chứng. Cùng với hệ thống báo chí cách mạng, Tạp chí luôn cố gắng thể hiện vai trò của mình trong việc đưa dòng thông tin chủ lưu, chính thống, có kiểm chứng, có trách nhiệm tới công chúng, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác tuyên giáo.

    Có thể nói, các bài viết mảng đề tài phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các ấn phẩm Tạp chí, đặc biệt là các bài viết phê phán trực diện, đấu tranh trực tiếp với các quan điểm sai trái, thù địch đã góp phần định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề thực tiễn.

    Một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các ấn phẩm Tạp chí Tuyên giáo chính là giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ tính phản khoa học, phản sự thật của các quan điểm sai trái, thù địch và được “miễn dịch” với các quan điểm đó. Có hai cách thức để vạch rõ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch: Thứ nhất, cách trực diện, phê phán, phản bác trực tiếp các quan điểm sai trái, thù địch đó, vạch rõ bản chất, bộ mặt thật của các phần tử phản động. Thứ hai, gián tiếp phê phán, phản bác các quan điểm đó, bằng việc đưa các thông tin có định hướng về vấn đề, về lĩnh vực mà các thế lực thù địch tấn công. Thời gian qua, Tạp chí đã làm tốt cả hai cách làm này, với nhiều mảng bài viết có tính “hỗ trợ” nhau, tạo nên hiệu quả tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội, nâng cao nhận thức của công chúng.

    Thứ hai góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào hệ thống chính trị. Hệ thống các bài viết trên các ấn phẩm của Tạp chí nói chung và các bài viết theo mảng đề tài phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, đặc biệt là thành quả hơn 30 năm qua, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước.

    Bên cạnh những kết quả cơ bản đạt được, chất lượng nội dung tuyến bài phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Tạp chí cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Đó là:

    Thiếu tính chủ động, kịp thời trong phê phán, phản bác. Có những luận điệu sai trái, xuyên tạc, kích động, trong khi các báo, tạp chí khác như Báo Quân đội Nhân dân, Nhân dân, Tạp chí Cộng sản… đã có bài phản bác kịp thời, thì Tạp chí Tuyên giáo, trong một số thời điểm, vẫn chậm trong triển khai đặt bài, viết bài đấu tranh phê phán, phản bác. Nhiều bài viết "phản ứng tức thời" vẫn chủ yếu là khai thác - lấy lại từ các báo, tạp chí nêu trên. Bên cạnh đó, Tạp chí in ra 1 số/tháng, nên khi các bài viết phê phán, phản bác trên Tạp chí đến được tay bạn đọc, thì tính thời sự, tính kịp thời đã qua, điều này làm giảm hiệu quả của các bài viết (nhất là các bài viết tấn công trực diện, phê phán, phản bác trực tiếp các quan điểm sai trái, thù địch). Điều này đặt ra tư duy mới cho tập thể lãnh đạo Tạp chí, khi xác định xây dựng ấn phẩm điện tử thành phương tiện chủ lưu, cơ bản trong cung cấp thông tin kịp thời tới bạn đọc. Hiện nay, Tạp chí điện tử chưa có những kế hoạch dài hơi, chưa triển khai được các bài viết có tính tương tác, hay tạo những chuyên mục hỏi - đáp để lôi cuốn công chúng tìm hiểu...

    Thiếu sức thuyết phục do mang tính độc thoại một chiều. Mặc dù trong 2 năm nay, Tạp chí đã tăng cường các bài viết ở thể loại phỏng vấn - đi thoại. Nhưng nhìn chung, phần lớn các bài viết đăng tải trên Tạp chí, đặc biệt là những bài viết về lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, thường mang tính minh họa, hay “bảo vệ” đơn thuần. Nội dung một số bài viết còn nhiều phần khiên cưỡng, nặng về “tụng ca” và hoài niệm, độc thoại một chiều là chủ yếu, khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo bị hạn chế, ít có các kết quả, ý kiến mới được nghiên cứu một cách công phu, nghiêm túc. Chưa có nhiều bài viết phê phán, phản bác trực tiếp các quan điểm sai trái, thù địch theo cách “trực diện”, nên tính thuyết phục, sức hấp dẫn của các bài viết không cao, đôi khi gây nhàm chán cho người đọc. Các bài viết trên Tạp chí điện tử chưa phát huy được lợi thế của tính tương tác với bạn đọc, tạo điều kiện cho bạn đọc phản hồi, bình luận, nêu ý kiến. Bên cạnh một số bài viết có chất lượng tốt, vẫn còn một số lượng không nhỏ các bài viết chung chung, mang tính tuyên truyền một chiều là phổ biến, chưa thể hiện sự sắc sảo, tính chiến đấu cao về nội dung.

    Các thể loại báo chí được sử dụng còn đơn điệu nên chưa tạo hiệu ứng, lôi cuốn, cổ vũ bạn đọc. Các bài viết trên Tạp chí in đa phần là chuyên luận, bình luận với ngôn ngữ bác học, nặng về lý luận. Các thể loại báo chí thế mạnh như: phỏng vấn, ghi chép, phiếm chỉ… ít được sử dụng. Một số bài đôi khi còn nặng về thời sự trực tiếp, thiếu cơ bản và tính hệ thống, chưa có luận cứ khoa học vững chắc cũng như chưa có cách thể hiện thật phong phú, sinh động, có khi còn lúng túng và bị động trong việc phản bác lại những luận điệu phản tuyên truyền của các thế lực thù địch.

    Các bài viết bình luận, chuyên luận là thế mạnh của Tạp chí, của các cây viết lâu năm, nhưng đồng thời cũng là các thể loại rất kén độc giả, không phải ai cũng thích, cũng hiểu hết nội dung của những dạng bài kể trên. Chính vì vậy, để có thể cung cấp các luận cứ, luận điểm trong phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đông đảo bạn đọc (trong đó, có đội ngũ cán bộ tuyên giáo, cũng như nhiều thành phần khác trong xã hội), cần có sự thể hiện dưới các thể loại báo chí khác nhau.

    Tính gắn kết giữa các bài viết trong cùng một chủ đề trên các chuyên mục của Tạp chí in, vào nhiều thời điểm trên Tạp chí Tuyên giáo điện tử chưa tốt, dễ dẫn đến những cái nhìn biệt lập, khó hình dung ra toàn bộ sự kiện, dẫn đến tác dụng tuyên truyền, giáo dục của báo chí chưa cao. Nếu như với cùng một chủ đề phản bác một quan điểm thù địch, sai trái nào đó, Tạp chí Tuyên giáo có sự liên kết thành một chùm bài, thậm chí có thể có thông báo trên các ấn phẩm cho độc giả về tính hệ thống của vệt bài ấy thì sẽ thu hút được nhiều độc giả đón đọc hơn, hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn.

    Trong các nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên, thì công tác cộng tác viên vẫn là vấn đề "trăn trở" nhất đối với Tạp chí hiện nay. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng, mở rộng đội ngũ cộng tác viên có "tay nghề" cao, nhưng nhìn chung tình hình vẫn chưa được "cải thiện" như mong muốn.

    Trong tổng số hơn 200 bài viết liên quan đến phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong gần 2 năm trở lại đây thì phần lớn các tác giả vẫn là những cây bút quen thuộc, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này như: Nhà báo lão thành Hà Đăng, GS. TS. Trần Văn Bính, PGS. TS. Bùi Đình Phong, các nhà báo Nhị Lê, Phùng Kim Lân, Thiện Văn, Nguyễn Hồng Hải, Phương Vinh, Văn Thị Thanh Mai, Hà Sơn Thái, Song Minh.v.v..

    Một số cây viết trẻ đã xuất hiện, tuy nhiên, độ sắc sảo về tư duy lý luận còn hạn chế, cộng thêm việc thiếu thông tin, không được tiếp cận đầy đủ, trực tiếp với các nguồn tư liệu, tài liệu..., nên cách viết còn bị động, chung chung, thiếu độ "sắc" và chặt chẽ.

    Phần lớn các cộng tác viên chủ lực mảng đề tài này đều là cán bộ lãnh đạo đương chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm, nên công việc khá bận rộn, khó bố trí thời gian cho việc cộng tác đều đặn với Tạp chí hàng tháng (đối với Tạp chí in), cũng như đột xuất, theo đặt hàng (đối với Tạp chí điện tử). Bên cạnh đó, một số cây bút có kinh nghiệm, tuổi cao, rất nhiệt tình cộng tác với Tạp chí mỗi khi có sự kiện, vấn đề xảy ra cần "phản ứng nhanh". Tuy nhiên, họ lại thiếu thông tin, thiếu sự cập nhật sâu chuỗi những sự kiện liên quan nên bài viết khó sâu sắc và toàn diện.

    3. Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, nhất là báo mạng điện tử, cũng như các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook đã tác động mạnh mẽ tới dư luận xã hội. Thông tin đa dạng, phong phú, nhiều chiều, trong đó có cả những thông tin tích cực, có giá trị định hướng dư luận xã hội, nhưng cũng có không ít thông tin tràn lan trên mạng xã hội, trên các trang thông tin điện tử, báo mạng điện tử đặt công chúng trước sự hoang mang, lo sợ, mất định hướng và niềm tin. Các thế lực thù địch tận dụng điều này để tung ra các thông tin phản động, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các thành quả của công cuộc đổi mới.

    Thực tiễn hiện nay cho thấy, trong điều kiện bùng nổ thông tin như vậy, trước những vấn đề "nóng" và bức xúc, tâm lý của khá nhiều độc giả, cũng như cán bộ, đảng viên và nhân dân tìm kiếm sự định hướng thông tin từ các tờ báo chính thống. Trong đó, công chúng cũng đặc biệt quan tâm tìm kiếm thông tin định hướng trên Tạp chí Tuyên giáo để biết rõ quan điểm của Ban Tuyên giáo Trung ương trước những vấn đề "nóng", bức xúc như thế nào. Nhu cầu này của bạn đọc là chính đáng. Điều này đòi hỏi Tạp chí bên cạnh tuyến bài đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phải nhạy bén, kịp thời cung cấp thông tin - chuyển tải thông điệp có giá trị định hướng, giúp công chúng có cái nhìn chính xác, khách quan và chân thực.

    Trong thời gian tới, đặc biệt năm 2020 - thời gian tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, chắc chắn các thế lực thù địch, phản động sẽ tung ra nhiều “chiêu thức” tinh vi hơn, triệt để lợi dụng tính hai mặt của mạng xã hội để không ngừng tăng cường các thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Những luận điểm chủ yếu trong các quan điểm sai trái, thù địch sẽ tiếp tục tập trung vào những lĩnh vực: tiếp tục kích động, reo rắc tâm lý “bài Mác - Lênin”, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường xuyên tạc tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, phủ nhận những thành tựu to lớn của nhân dân ta trong quá trình đổi mới, đồng thời thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của Nhà nước ta trong quản lý kinh tế xã hội; xuyên tạc lịch sử, "hạ bệ thần tượng", phủ nhận những thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước; xuyên tạc vu cáo tình hình thực tế Việt Nam, nhất là vấn đề dân chủ, nhân quyền; tăng cường tung các quan điểm thù địch tác động vào nội bộ ta, dựng chuyện có phái này phái nọ (phái bảo thủ và phái cấp tiến) trong các cơ quan Đảng, Nhà nước nhằm làm cho nội bộ ta nghi ngờ lẫn nhau và nhân dân nghi ngờ Đảng; lợi dụng Đảng ta đang tiến hành thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiến hành xử lý các đại án tham nhũng... để xuyên tạc, công kích...

    Xuất phát từ những luận điểm nêu trên, trong năm 2020 và thời gian tới, Tạp chí Tuyên giáo tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh nội dung phê phán, phản bác các quan điểm sai trái thù địch; kịp thời đưa ra những bài viết ‘phản ứng nhanh”, “phản ứng kịp thời” trước các luận điệu phản động, xuyên tạc. Theo đó, những nhiệm vụ cơ bản để làm tốt nội dung này là:

    Một là, tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Lãnh đạo Ban, tranh thủ ý kiến góp ý của các vụ chức năng trong cơ quan; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, cách thức tiến hành và công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dài hạn, trung hạn và "phản ứng nhanh"; tổ chức viết bài, đặt bài; lựa chọn chủ đề, thể loại bài viết liên quan đến đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới"; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

    Hai là, tận dụng tối đa ưu thế của mạng Internet và ấn phẩm Tuyên giáo điện tử để phát huy cao độ sức lan tỏa, tạo sự tương tác với bạn đọc trong phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mở rộng chia sẻ các bài viết lên mạng xã hội, mạng VCNET để công chúng tiếp cận, qua đó nâng cao nhận thức, tăng sức đề kháng trước các quan điểm sai trái, thù địch, đặc biệt là thế hệ trẻ.

    Ba là, tăng cường tổ chức lực lượng tham gia viết bài - "ứng chiến" kịp thời với các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh những cây bút kinh nghiệm, cộng tác viên “gạo cội” của Tạp chí, cần tiếp tục mở rộng mạng lưới tác giả mới, nhất là những cây bút trẻ có trình độ sắc sảo.

    Bốn là, đa dạng hóa các thể loại báo chí trong phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong thời gian tới, bên cạnh những bài viết mang "chất tạp chí" với văn phong chính luận, chân phương, khoa học…, tăng cường sử dụng các thể loại bài viết ngắn, bài phản ánh, phỏng vấn, phiếm chỉ, sử dụng hình thức tranh ảnh châm biếm minh họa cho bài viết… Đa dạng hóa thể loại, nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, sâu sắc và tính hệ thống, tránh không để “sa” vào tình trạng “báo hóa tạp chí” - một trong những vấn đề mà Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các cơ quan chức năng đang từng bước “thiết lập”” lại.

    Năm là, tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền với các cơ quan báo chí Đảng, nhất là hệ thống các tạp chí của Đảng, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong triển khai phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đặc biệt trước các vấn đề nóng, vấn đề dư luận quan tâm cần định hướng./.

    Hoàng Minh

  • Tác giả: Trích dẫn - Phạm Minh Châu - Phòng VH&TT
  • Nguồn tin: tuyengiao.vn
  • Các tin bài khác:
  • Kết quả chấm điểm đánh giá việc giải quyết TTHC trên địa bàn huyện Điện Biên quý I năm 2022
    Kết quả chấm điểm đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện Điện Biên quý II năm 2022
    TRUNG TÂM GDNN – GDTX HUYỆN ĐIỆN BIÊN TỔ CHỨC LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2022 - 2023
    Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Điện Biên tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác ủy thác cho cán bộ Đoàn cấp xã
    THƯỜNG TRỰC HUYỆN ỦY LÀM VIỆC VỚI CHI BỘ BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN CÁC CÔNG TRÌNH
    LÃNH ĐẠO HUYỆN ĐIỆN BIÊN THĂM, TĂNG QUÀ CHO CÁC CHÁU THIẾN NIÊN, NHI ĐỒNG NHÂN DỊP TẾT TRUNG THU
    BAN DÂN VẬN TỈNH ỦY THĂM CÁC MÔ HÌNH SẢN XUẤT TẠI HUYỆN ĐIỆN BIÊN
    Hà Nội thông tin về việc sử dụng CCCD gắn chíp thay sổ hộ khẩu, KT3
    KIỂM TRA CÔNG TÁC THI ĐUA – KHEN THƯỞNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐIỆN BIÊN NĂM 2022
    ĐOÀN THANH NIÊN TRƯỜNG PT DTNT THPT HUYỆN ĐIỆN BIÊN TỔ CHỨC NGÀY “CHỦ NHẬT XANH” THAM GIA LAO ĐỘNG DỌN VỆ SINH ĐƯỜNG PHỐ
    1371-1380 of 2064<  ...  133  134  135  136  137  138  139  140  141  142  ...  >
  • Bản đồ hành chính
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: