Gia đình anh Quàng Văn Hùng, bản Pe Nọi, xã Thanh Luông trước kia khi chưa có dịch bệnh Covid – 19, anh đi làm công nhân ở các tỉnh dưới xuôi, với mức thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Nhưng do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, anh không có việc làm, trở về địa phương từ tháng 1/2021, làm lao động tự do, ai thuê việc gì làm đó, thu nhập bấp bênh. Tháng 3/2021, thông qua ủy thác của Hội Nông dân xã, gia đình anh được xét duyệt cho vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm. Có vốn, gia đình anh đầu từ chuồng trại chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy cầm.
Với hộ gia đình anh Tòng Văn Kiển, ở bản Mó, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội như chiếc “phao cứu sinh” giúp gia đình anh vượt qua khó khăn. Anh cho biết, sau dịch tả lợn Châu phi gia đình anh không có vốn để tái đàn, bởi trước đó dịch bệnh đã làm số lợn của gia đình chết hết phải mang đi tiêu hủy. Trước những khó khăn về vốn, năm 2021, gia đình anh được Hội nông dân xã Thanh Luông xét duyệt và giới thiệu đến Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên làm thủ tục vay 50 triệu đồng để đầu tư tái đàn.
Được biết, trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn xã Thanh Luông đã và đang sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH. Từ đó, nhiều mô hình kinh tế ở xã đã phát huy hiệu quả, như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi thủy sản; trồng cây ăn quả; phát triển rừng kinh tế.
Để đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng được thụ hưởng và phát huy hiệu quả, hàng năm, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên đã phối hợp với UBND xã Thanh Luông phân giao chỉ tiêu dư nợ tín dụng đến từng thôn bản; triển khai tốt cơ chế ủy thác cho vay thông qua 4 tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, gồm: Hội Nông dân, Hội CCB, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Cùng với đó, làm tốt công tác rà soát, xác định, phân loại đối tượng để có kế hoạch cho vay đầu tư phù hợp, đúng tiến độ; chỉ đạo, giám sát các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện công tác bình xét cho vay công khai, dân chủ, đúng đối tượng nhất là các đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của chính phủ. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực này, chất lượng tín dụng chính sách của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên tại xã Thanh Luông ngày càng được nâng lên, góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng NTM trên địa bàn.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và của huyện Điện Biên là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm 2022, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn ở tất cả các xã trong huyện. Cùng với công tác phòng, chống dịch, đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, nắm bắt những thiệt hại của các hộ vay vốn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời, giúp khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thực hiện
Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH sau đại dịch Covid-19, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và UBND các xã rà soát nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ; triển khai cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua sắm máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19 và cho vay xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở năm 2022 và năm 2023 theo chính sách về nhà ở xã hội.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, triển khai các chương trình, chính sách cho vay mới đối với các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã điểm để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ vay vốn quản lý tốt đồng vốn vay, đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn các cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo đồng vốn sau giải ngân được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả./.