• Thành Sam Mứn, Thành Bản Phủ và người xây dựng nên Thành
  • Thời gian đăng: 04/03/2019 04:24:01 PM
  • Trong những cuộc đấu tranh chống chế độ áp bức, đô hộ của giặc ngoại xâm, ngoài những nhân tố để lập nên chiến công như tướng lĩnh tài ba với cái nhìn thông suốt, quân đội hùng mạnh đầy khí thế sẵn sàng ra trận thì còn phải kể đến việc xây thành đắp lũy làm căn cứ hoạt động. Một minh chứng rõ nét cho nhận định này là hai tòa thành: Thành Sam Mứn và Thành Bản Phủ - những chứng tích hiện còn tồn tại trên mảnh đất Điện Biên anh hùng. Những di tích này đánh dấu sự phát triển về trình độ tư duy sáng tạo thời bấy giờ và ghi lại lịch sử. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin đề cập đến khía cạnh tìm hiểu xem ai là người xây dựng nên những tòa Thành.

    Theo một số nghiên cứu, người Lự vào Việt Nam đã đặt chân đầu tiên lên vùng Điện Biên. Người Lự có mặt ở đây sớm hơn người Thái. Người Lự là dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, có trình độ văn hóa cao và phát triển thịnh vượng trên đất Mường Thanh. 

    Thành Sam Mứn (còn có tên là thành Tam Vạn) do các chúa Lự xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, được dùng làm căn cứ chống lại bọn chúa đất phong kiến ở phương Bắc sang xâm lấn. Mười chín đời Chúa Lự kế tiếp nhau cha truyền con nối cai quản đất Mường Thanh và đặt thủ phủ trong thành Sam Mứn. Nhưng khi Chúa Thái Lạn Chượng đến đất Mường Thanh, văn hoá Thái bắt đầu ảnh hưởng tới văn hóa của người Lự. Chúa Thái đã nắm được một số quyền binh của các Chúa Lự và đến đầu thế kỷ XVIII khi giặc Phẻ sang xâm lược, cướp phá vùng Mường Thanh đã chấm dứt sự cai quản của các chúa Lự.

    Ngày nay do tác động của thiên nhiên và các biến thiên lịch sử, thành Sam Mứn đã bị thay đổi nhiều. Dấu tích còn lại đến nay chỉ là đoạn tường thành dài 3km tại đồi Pom Lót, khu núi cao cạnh hồ U Va. Đó là đỉnh núi Pú Chom Chảnh -  nơi tướng Lự đặt đài quan sát để có thể bao quát được cả thung lũng Mường Thanh. Thành Sam Mứn là một di tích có giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, khảo cổ, kiến trúc và khoa học quân sự, là niềm tự hào về thành tựu mà cha ông để lại.

    Như vậy, Thành Sam Mứn là do người Lự xây dựng, vậy còn Thành Bản Phủ là do ai và được xây dựng trong hoàn cảnh nào? Giữa Thành Sam Mứn và Thành Bản Phủ có liên quan gì và liên quan tới ai? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu để làm rõ vấn đề này.

    Vào năm 1751, giặc Phẻ tràn sang cướp phá vùng Mường Thanh. Chúng lấy Thành Sam Mứn làm căn cứ và mở rộng đàn áp khiến người Lự không thể chống trả được. Trước tình hình đó, xuất hiện vị tướng áo nâu Hoàng Công Chất - người con của trấn Sơn Nam Hạ (tỉnh Thái Bình ngày nay) cùng nghĩa quân theo đường rừng núi Sông Mã tiến vào Mường Thanh. Ông cùng tướng Ngải, tướng Khanh - hai thủ lĩnh người Thái đã giải phóng Mường Thanh vào tháng 5/1754.

    Sau chiến thắng năm 1754 đánh tan giặc Phẻ giải phóng Mường Thanh, Hoàng Công Chất quyết định đóng quân trong Thành Sam Mứn, củng cố vùng Mường Thanh làm căn cứ địa lâu dài, biến Mường Thanh thành trung tâm, thủ phủ của một vùng rộng lớn ở phía Bắc. Đến năm 1758, Hoàng Công Chất quyết định xây dựng Thành Bản Phủ. Sau 4 năm xây dựng (từ năm 1758 - 1762), Thành Bản Phủ hoàn thành, nghĩa quân đã chuyển địa bàn đóng quân sang Thành Bản Phủ. Thành mới được xây dựng đánh dấu kỳ công của nghĩa quân Hoàng Công Chất và công lao đóng góp của nhân dân.

    Hiện nay, hai di tích Thành Sam Mứn và Thành Bản Phủ đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, cụ thể: Di tích Thành  Sam Mứn thuộc xã Sam Mứn và xã Noong Luống, huyện Điện Biên được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký quyết định xếp hạng là di tích cấp quốc gia ngày 22/01/2009. Di tích Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin ký quyết định xếp hạng là di tích cấp quốc gia ngày 9/2/1981.

    Các di tích được xếp hạng giúp chúng ta thêm trân trọng giá trị và nâng cao ý thức bảo vệ những thành quả mà lịch sử, cha ông đã để lại. Từ đó chính quyền và nhân dân các dân tộc có các biện pháp trùng tu, tôn tạo di tích để dấu ấn lịch sử được trường tồn.

  • Nguồn tin: Lê Thị Lan Anh - Phòng Di sản văn hóa - Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên
  • Các tin bài khác:
  • DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN VÀ TIẾP NHẬN, TRẢ KẾT QUẢ QUA DỊCH VỤ BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH
    Sẽ dùng căn cước công dân gắn chip thay cho thẻ bảo hiểm y tế
    Căn cước công dân không gắn chip vẫn còn thời hạn sử dụng, có cần đổi?
    Làm cách nào để tra cứu Căn cước công dân gắn chíp đã làm xong chưa?
    55 năm ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng
    PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CHỦ TỊCH UBND CẤP XÃ TRONG QUẢN LÝ NGUỒN VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH
    ĐOÀN CÔNG TÁC HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN UỶ ĐIỆN BIÊN
    ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN ĐIỆN BIÊN TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI XÃ PA THƠM
    Tham gia tổ công nghệ số cộng đồng để triển khai gì?
    Tham gia tổ công nghệ số cộng đồng để triển khai gì?
    1321-1330 of 2064<  ...  128  129  130  131  132  133  134  135  136  137  ...  >
  • Bản đồ hành chính
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: