Cụ thể, Khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định:
1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Luật này;
b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
d) Xác định lại giới tính, quê quán;
đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
e) Khi công dân có yêu cầu.
Như vậy, khi phát hiện ra thông tin trên thẻ căn cước công dân có sai sót, để không ảnh hưởng tới các giao dịch, thủ tục phải dùng đến thẻ căn cước, người dân phải đi đổi thẻ căn cước mới.
Căn cứ Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA, thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân được thực hiện theo các bước:
Bước 1: Người dân yêu cầu đổi thẻ căn cước
Công dân trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền để yêu cầu đổi thẻ căn cước và làm thủ tục.
Trường hợp người dân đề nghị đổi thẻ căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì phải đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị đổi thẻ. Hệ thống sẽ tự động chuyển yêu cầu đổi thẻ căn cước của công dân về cơ quan Công an nơi công dân đề nghị.
Bước 2: Thu nhận thông tin công dân
Cán bộ Công an tiến hành thu nhận thông tin công dân bằng cách:
- Tìm kiếm thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
- Lựa chọn loại cấp căn cước và mô tả đặc điểm nhân dạng của công dân; thu nhận vân tay của công dân;
- Chụp ảnh chân dung;
- In Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có), Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên;
- Cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết.
Bước 3: Thu lại căn cước công dân bị sai thông tin
Bước 4: Trả thẻ căn cước công dân mới
Tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC quy định, công dân có yêu cầu đổi thẻ căn cước công dân bị sai quê quán, thông tin phải nộp lệ phí là 50.000 đồng/thẻ.
Riêng trường hợp đổi thẻ căn cước khi có sai sót về thông tin do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân thì không phải nộp lệ phí.