• Tìm hiểu về di tích Thành Bản Phủ
  • Thời gian đăng: 04/03/2019 04:29:26 PM
  • Thành Bản Phủ (hay còn có tên là thành Chiềng Lề) thuộc địa phận xã Noọng Hẹt, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 8 km về phía nam. Mặc dù tòa thành đã bị phá hủy phần nào sau khi quân Trịnh tiến vào chiếm giữ vào thế kỷ XVIII nhưng những gì còn lại cùng với sử sách lưu truyền và dân gian kể lại ngày nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và luôn là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu.

    Từ sau ngày giải phóng Điện Biên 1954 đến nay, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến việc ban hành thông tư, nghị định, luật về lĩnh vực Di sản văn hóa, đặc biệt chú trọng đến công tác nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng, tu bổ phục hồi di tích, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

     Năm 1981 Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định xếp hạng 07 di tích lịch sử và văn hóa trong đó có di tích Thành Bản Phủ.

    Tại thành nội Bản Phủ, sau khi tướng Hoàng Công Chất qua đời (ngày 25/2/1767 âm lịch), để tỏ lòng biết ơn người anh hùng đã có công dẹp giặc ngoại xâm đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân, nhân dân Mường Thanh đã lập đền thờ linh chúa Hoàng Công Chất và  06 vị thần quận công: Lò Ngải, Bạc Cầm Khanh, Hoàng Công Toản, Bun Phanh, Vũ Tả, Nguyễn Hữu, được dân gian gọi chung là đền Hoàng Công Chất.

    Về thân thế, sự nghiệp của tướng Hoàng Công Chất, từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản QĐNDVN, Hà Nội năm 1996 có ghi “Hoàng Công Chất - thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân vùng Sơn  Nam (1739-1769) thời Lê Trung Hưng, quê làng Hoàng Xá, huyện Thư Trì, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Trong các năm 1740 và 1743, nghĩa quân Hoàng Công Chất đánh bại những cuộc đàn áp của quân triều đình do các tướng Hoàng Kim Trảo, Trịnh Kinh, Trương Nhiêu chỉ huy; năm 1745 chỉ huy tập kích bắt sống viên trấn thủ Sơn Nam là Hoàng Công Kỳ; năm 1748 không chống nổi quân triều đình do Hoàng Ngũ Phúc, Phạm Đình Trọng chỉ huy, Hoàng Công Chất phải vào Thanh Hóa liên kết với phong trào khởi nghĩa của Lê Duy Mật…, sau đó sang Lào và chuyển lên vùng Tây Bắc lập căn cứ tại Mường Thanh (Điện Biên)”.

    Năm 1752, nghĩa quân Hoàng Công Chất đã làm chủ được Mường Ét (Sốp Ét), Mường Xằm (Sầm Nưa), Mường Xon, Mường Pở, Mường Cảu (nay là địa bàn tỉnh Hủa Phăn nước Lào). Tại đây Hoàng Công Chất đã tiếp xúc với nhân dân Thái lánh nạn chờ thời cơ được trở về đánh đuổi giặc Phẻ (Pọng) cứu lấy quê hương Mường Thanh.Trong số đó, có Lò Văn Ngải và Bạc Cầm Khanh được Hoàng Công Chất trọng dụng nên được gọi là Quân Ngải, Quân Khanh. Người Thái gọi Hoàng Công Chất là Thiên Chết tức “chủ cõi trời”.

    Do có trợ thủ đắc lực của Quân Ngải, Quân Khanh, Hoàng Công Chất đã tập hợp được lực lượng gồm các dân tộc anh em từ địa bàn Hủa Phăn (Lào) nghĩa quân đã tiếp tục làm chủ vùng thượng sông Mã như Mường Hung, Chiềng Cang, Sốp Cộp, Mường Và (lúc đó thuộc châu Mường Mụa (Mai Sơn) nay thuộc hai huyện Sông Mã và Sốp Cộp tỉnh Sơn La) rồi tiến dần lên Mường Lói, Mường Lèo (nay thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Cho đến nay, nếu điền dã dân tộc học theo tuyến đó, vẫn còn vết đường hào, bờ thành và lũy tre xanh bao bọc xung quanh mà người địa phương gọi là “Thành Kinh Chất” (Viêng Keo Chết). Lực lượng nghĩa quân Hoàng Công Chất chỉ huy đã từ Mường Lói, Mường Lèo trên đỉnh núi cao đổ ập xuống góc phía Tây vùng lòng chảo Mường Thanh, chiếm thành Sam Mứn đuổi giặc Phẻ về phía Đông Bắc nơi có đại bản doanh Chảu Pạ Tin Toóng ở Pú Vẳng (đồi Độc Lập ngày nay).

    Trong khoảng những năm 1755 - 1761 sau khi kiểm soát được toàn bộ Mường Thanh (châu Ninh Biên), nghĩa quân Hoàng Công Chất với hai trợ thủ đắc lực là Quân Ngải, Quân Khanh đã làm được các việc lớn: Xây thành Bản Phủ/Chiêng Lề; truy kích giặc Phẻ và giải phóng Mường Lay - cho người đón Chiều Ban ẩn náu ở Mường Chà trở lại làm thủ lĩnh, quy thuận về chúa Thiên Chết ở Mường Thanh; thu hồi lại 6 châu mường (Tung Lăng, Hoàng Nham, Lễ Tuyên, Khiêm Châu, Tuy Phụ và Hợp Phì) do giặc Phẻ, Giẳng - một thế lực phong kiến Mãn Thanh ở Vân Nam đã lấn chiếm trước đó và quy thuận các châu Thái (tuy nhiên sau này 6 châu Thái sau lại mất về Trung Quốc nay thuộc tỉnh Vân Nam từ sau khi nhà Trịnh lên đàn áp cuộc khởi nghĩa, 6 châu mường về tay giặc ngoại bang). Miền Tây Bắc đã thực sự trở thành cứ địa của phong trào nông dân chống phong kiến thế kỷ XVIII.

    Đền thờ Hoàng Công Chất khi xây dựng có 02 gian, mái lợp bằng cỏ tranh do đó đã có thời kỳ bị bà con đốt nương làm cháy, sau đó được tu sửa khang trang với tường gạch, mái ngói. Nhân dân trồng ba cây đa, si, đề  chung một gốc tại đền để thể hiện tình đoàn kết keo sơn giữa nhân dân miền xuôi và miền ngược. Từ cấu trúc ngôi đền đến thờ tự bài trí đều có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Thái và văn hóa Kinh mặc dù chủ trì đền ngày đó là người Thái ở địa phương. Trong đền trước đây có treo chuông, ban thờ bày các cột đèn, hai bên hương án có bày đôi hạc đứng trên lưng rùa bằng đồng.

    Lễ hội đền trước đây diễn ra trong mùa hạ, ngày mùng 5/5 âm lịch hàng năm là ngày chính hội. Tương truyền đây là ngày nghĩa quân chiến thắng giặc Phẻ và là ngày vui đại thắng của các châu mường, đồng bào Thái nhân dịp đó cúng “Then Chất” cầu chúc sức khỏe cho mọi người, cầu mưa thuận, gió hòa để mùa màng tốt tươi, bội thu. Mặc cho tháng năm âm lịch khí trời oi bức nhưng bà con các dân tộc nô nức kéo nhau về dự lễ hội và xem diễn các tích trò nghĩa quân đánh giặc, giữ yên bản mường. Vài năm sau, để phù hợp với phong tục tập quán địa phương, lễ hội Hoàng đền lại được tổ chức và diễn ra cùng thời điểm với các lễ hội xên mường xên bản khác của đồng bào Thái vào tháng hai âm lịch hàng năm. Lễ hội diễn ra trong năm ngày “cắm mướng, ỉn phủ” (kiêng mường, chơi phủ). Lễ hội bắt đầu từ đêm ngày 24/2 đến 28/2 âm lịch, ngày chính hội là ngày mất tức ngày giỗ của Hoàng Công Chất (25/2). Lễ hội được duy trì tổ chức đến năm 1952; từ năm 1952 đến năm 1990 lễ hội không được tổ chức một phần bởi do điều kiện chiến tranh, một phần do ông mo cúng “Then Chất” qua đời không còn để lại bài khấn và không ai còn nhớ chính xác tên của sáu vị thần quận công của Hoàng Công Chất nữa do vậy đã cúng gọi sai tên. Một số ông mo sau khi cúng tại lễ đền về nhà không ốm đau mà tự nhiên qua đời (theo lời kể của cụ Lò Văn Đón - 92 tuổi xã Noong Luống). Từ năm 1990 đến nay, ngành Văn hóa đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Điện Biên phối hợp với các cơ quan ban ngành của tỉnh khôi phục và tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động phong phú, thời gian tổ chức trong hai ngày (24 -25/2 âm lịch hàng năm).

    Thanh-Ban-Phu-2.jpg

    Lễ hội Thành Bản Phủ

    Năm 1981, sau khi di tích Thành Bản Phủ được công nhận là di tích cấp quốc gia, nhà nước đã đầu tư kinh phí cùng với sự ủng hộ đóng góp của nhân dân nên bước đầu ngôi đền đã được tu bổ một số hạng mục nhưng không làm mất đi những đường nét cũ, có tủ kính trưng bày chén rượu ăn thề, thanh đao, mũi xiên của nghĩa quân, sơ đồ thành Bản Phủ… Những hiện vật này các cơ quan chức năng nên sưu tầm hoặc phục chế lại để trưng bày tại nhà trưng bày, bổ sung di tích phục vụ khách tham quan, nghiên cứu.

    Tại Thành Bản Phủ ngày nay, ngoài hệ thống phòng thủ quân sự của nghĩa quân với một số hạng mục đã được tôn tạo, ngôi đền thờ và các cây đa là những không gian thiêng mà du khách nô nức tìm về tri ân những người có công với nước, tìm hiểu lịch sử đồng thời cầu an, cầu tài và vãn cảnh thành.           

    Di tích Thành Bản Phủ là di sản văn hóa qúy báu, là niềm tự hào của nước ta nói chung và của nhân dân dân tộc Điện Biên nói riêng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là tài nguyên du lịch và là điểm đến trong hành trình về nguồn của du khách khi đến thăm Điện Biên. Theo thời gian di tích tuy đã mai một xuống cấp nhưng vẫn chứa đựng hồn thiêng đất trời, núi sông, thấm đẫm sức lực, trí tuệ, mồ hôi, xương máu của thế hệ cha ông, minh chứng cho cả một quá trình thăng trầm của lịch sử dân tộc. Thành Bản Phủ - Đền Hoàng Công Chất đã thực sự trở thành nơi giáo dục truyền thống đối với du khách đến từ mọi miền Tổ quốc. Trong những năm qua, di tích đã đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, nghiên cứu và tri ân, tưởng nhớ công đức Hoàng Công Chất và những người có công với nước. Lễ hội Thành Bản Phủ là một trong những lễ hội đặc sắc xứng đáng được lựa chọn nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng thực tế ít ai hiểu được lịch sử ngôi đền và nội dung, chủ nhân của những đại tự, hoành phi, câu đối Hán - Nôm đặt trong đền…

    Việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cho Thành Bản Phủ để làm cơ sở phát huy giá trị di tích là hết sức quan trọng. Năm 2004, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, UBND huyện Điện Biên đã phối hợp với các cơ quan ban ngành trùng tu tôn tạo di tích Thành Bản Phủ trong đó phối hợp với dòng tộc Hoàng Công Chất đóng góp công quỹ tôn tạo chống xuống cấp ngôi đền. Toàn bộ phần chính điện ngôi đền được làm bằng gỗ lim, các pho tượng, đại tự, hoành phi, câu đối, đồ nghi trượng, ban thờ đều làm bằng gỗ quý do kỹ sư Hoàng Văn Khánh - Tổng giám đốc công ty dệt may xuất khẩu Hải Phòng, cháu hậu duệ của Hoàng Công Chất - cúng tiến.

     Phần đặt lời câu đối. hoành phi, đại tự cùng việc hướng dẫn chạm khắc 07 pho tượng do cử nhân Nguyễn Khắc Xuể, hội viên Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đảm trách. Ông dành nhiều công sức tâm huyết khảo cứu tâm linh Thái học và thân thế sự nghiệp Đức chúa Hoàng, là đồng tác giả cuốn sách “Chân dung lịch sử Anh hùng dân tộc Hoàng Công Chất”. Từ ngoài cửa Tiền đường vào hậu cung có ba bức hoành phi lớn: Hoàng Công Linh Chúa; Linh thần bảo quốc; Thánh cung vạn tuế. Bức đại tự ở tiền đường: Nhân Nghĩa; ở hậu cung: Chí Tín.

    Các câu đối chữ Hán - Nôm được đặt ở các vị trí trang nghiêm trong đền;

    Câu số 01 (bên phải tiền đường): Vế phải: Chính trực anh hùng nhân tâm thuận xây thành Bản Phủ. Vế trái: Thần công thánh đức quân dân đại nghĩa dựng non sông.

    Câu số 02 (bên trái tiền đường): Vế phải: Thư Trì thủy tú địa linh văn hiến muôn đời tuấn kiệt. Vế trái: Điện Biên sơn uy thế vĩ chiến công vạn thuở anh hùng.

    Câu số 03 (hàng cột gian ống): Vế phải: Uy vũ quán sơn hà Thánh đức huy hoàng Bắc Đẩu. Vế trái: Linh thiêng thành Tam Vạn thần công chói lọi trời Nam.

    Câu số 04 (hàng cột thứ nhất hậu cung): vế phải: Đại nghĩa an dân trấn biên cương danh thơm muôn thuở.  Vế trái: Uy danh hộ quốc giữ Than Châu vinh hiển ngàn thu.

    Câu số 05 (bên phải hậu cung): Vế phải: Tây Việt ngời chí anh hùng Tổ quốc ghi công như biển cả. Vế trái: Hưng hóa sáng danh đại nghĩa nhân dân tạc dạ tựa non cao.

    Câu số 06 (bên trái hậu cung): vế phải: Vị quốc vị dân văn vũ Thánh Hoàng hiển tích. Vế trái: Thuận thiên thuận đạo quang minh chính nghĩa dựng cơ đồ.

    Năm 2004, dòng tộc họ Hoàng Công đã cung cấp một số tư liệu quý về Thành Chiềng Lề xưa, trong đó có ghi: “…Trong thành có Bảo quốc Bản Phủ - ngôi đền nổi tiếng linh thiêng được xây dựng sau Đại thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 do Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ ban sắc phong cho dân Phủ Hưng Hóa xây dựng bản đền để tôn vinh uy vũ anh hùng dân tộc linh chúa Hoàng Công Chất và  06 vị thần quận công: Lò Ngải, Bạc Cầm Khanh, Hoàng Công Toản, Bun Phanh, Vũ Tả, Nguyễn Hữu. Đền được xây dựng trên nền cung thành Bản Phủ giữa một nơi từng nổi danh tuyệt đẹp: phía Đông có long chầu, phía Tây có hổ phục; phía Bắc có phượng hoàng hội tụ; phía Nam có bạch tượng hướng về. Nơi đây, khí thiêng chung đúc, sản sinh nhiều bậc chúa linh, nơi tụ nghĩa hào kiệt anh hùng của khắp miền thập lục đại tri châu tây Việt cùng đồng tâm hợp lực dựng nghiệp lớn, phất cờ đại nghĩa an dân, trấn giữ biên cương Đại Việt…”

    Thành Bản Phủ ngày nay là một trong những chứng tích huy hoàng ghi dấu ấn lịch sử quan trọng trong công cuộc chống thù trong giặc ngoài bảo vệ vững chắc vùng biên cương Tổ quốc của nghĩa quân Hoàng Công Chất và nhân dân Tây Bắc.

    Di tích có thể ví như như những mảnh vỡ của quá khứ còn vương lại nên rất khó bảo vệ trước nhịp sống hiện tại cùng với sự tác động của khí hậu môi trường và hành vi thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu hiểu biết của con người. Do đó, để những dấu ấn lịch sử mãi trường tồn, cần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành Bản Phủ, chống xâm hại, tránh nguy cơ mai một, thất truyền những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.

    Theo Luật Di sản văn hóa, đối với Thành Bản Phủ, Khu bảo vệ I là khu vực bất khả xâm phạm đã được khoanh vùng theo quy định của hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích gồm toàn bộ diện tích tòa Thành. Khu vực II  lấy Thành làm chuẩn mở rộng ra hai bên chân thành bên trong rộng ra 10m, bên ngoài rộng ra 5m, khu vực này cấm trồng trọt, đào bới và xây dựng nhà cửa. Khu vực này muốn trùng tu, tôn tạo phải có ý kiến thỏa thuận với Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch. Khu vực điều chỉnh (gọi là khu vực bảo vệ III) ngoài diện tích quy định trên, diện tích còn lại tạm thời được sản xuất, trồng màu song phải được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân tỉnh và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    Thực tế sự xâm hại đối với di tích đang là nỗi trăn trở của các nhà quản lý. Giải pháp hữu hiệu lâu dài cần thực hiện là nâng cao ý thức bảo vệ di tích; đánh giá, nhận diện tổng thể về thực trạng di tích, thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; nghiên cứu giá trị lịch sử, văn hóa di tích. Đồng thời từng bước nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về di sản văn hóa; đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá thông qua việc định hướng, có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh dịch vụ, du lịch đi sâu đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch, hình thành các tour, tuyến du lịch cộng đồng bền vững gắn với khai thác yếu tố văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

    Những việc cần làm trước hết là cần nghiên cứu, đánh giá, nhận diện tổng thể giá trị lịch sử, văn hóa (vật thể, phi vật thể) của di tích Thành Bản Phủ. Trong đợt trùng tu di tích năm 2004 khu vực di tích tuy đã được xây dựng phòng Trưng bày bổ sung di tích song nội dung trưng bày và việc phát huy giá trị còn nhiều hạn chế. Cần có sự phối kết hợp của các cấp, các ngành, các địa phương cùng với Dòng tộc con cháu họ Hoàng để nghiên cứu, khảo sát di tích và các di tích thành phần, khai thác thông tin dữ liệu lịch sử, sưu tầm hiện vật nhằm xây dựng hoàn thiện hồ sơ khoa học và phục vụ công tác trưng bày bổ sung di tích, làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các đề án, dự án chống xuống cấp, trùng tu tôn tạo di tích. Nghiên cứu khảo sát các di tích thành phần cần bổ sung nội dung Hoàng Công Chất xây dựng lực lượng đánh giặc ở Lào; nghiên cứu xác định vị trí các di tích liên quan như: Mường Lói, Mường Lèo (nay thuộc huyện Điện Biên); khảo sát điền dã tìm lại dấu vết đường hào, bờ thành và lũy tre xanh bao bọc xung quanh mà người địa phương xưa gọi là “Thành Kinh Chất” (Viêng Keo Chết); khu vực cánh đồng Tông Khao (đồng trắng); gốc cây đa đầu bản bảnTông Khao ngày nay có ngôi miếu thờ bà Lò Thị Nương - vợ Hoàng Công Chất; nơi nghĩa quân Hoàng Công Chất bắt sống và chém đầu tướng Phẻ Chảu Phạ Tin Toóng tại đại bản doanh đồi Pu Vẳng để tôn tạo hoặc cắm biển di tích. Nội dung hồ sơ di tích cần bổ sung các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến di tích như: truyền thuyết về Hoàng Công Chất khắc họ trên cương vị nhân thần, phúc thần; truyền thuyết về chọn đất xây thành; truyền thuyết về ao tắm voi; truyền thuyết về gò mối, truyền thuyết về sự ra đi của Hoàng Công Chất; quan niệm dân gian về sự hiển linh của Hoàng Công Chất hóa rắn, hóa voi về thành; sự linh thiêng của đền thờ Hoàng Công Chất; những bài hát mang tính sử thi ca ngợi công đức của Hoàng Công Chất và nghĩa quân, lễ hội Thành Bản Phủ…  

    Công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích sẽ góp phần khẳng định di tích Thành Bản Phủ là biểu tượng của tình đoàn kết keo sơn miền xuôi, miền ngược, hàng năm đón tiếp du khách trong nước và quốc tế đến chiêm bái với lòng thành kính, ngưỡng mộ. Thành Bản Phủ góp phần quan trọng trong việc giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau tiếp nối truyền thống lịch sử sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội./.

  • Tác giả: Nguyễn Phượng - Phòng Di sản Văn hóa
  • Nguồn tin: Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên
  • Các tin bài khác:
  • Lễ hội mừng cơm mới dân tộc Thái huyện Điện Biên
    Lễ hội cầu mưa dân tộc Thái tại bản Liếng, xã Noong Luống
    Độc đáo, tưng bừng Tết Té Nước (Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào huyện Điện Biên năm 2024
    TẾT TÉ NƯỚC DÂN TỘC LÀO XÃ NÚA NGAM, HUYỆN ĐIỆN BIÊN NĂM 2024
    Khai mạc Lễ hội Thành Bản Phủ, năm 2024
    Khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc huyện Điện Biên lần thứ X, năm 2024
    INTRODUCTION INFORMATION ABOUT THE HISTORICAL AND CULTURAL RELIC OF BAN PHU CITADEL (English)
    Giới thiệu Di tích lịch sử văn hóa Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên
    Du lịch huyện Điện Biên tiềm năng, định hướng phát triển
    Bảo tồn Lễ hội truyền thống “Lễ mừng cơm mới” của dân tộc Lào huyện Điện Biên
    1-10 of 31<  1  2  3  4  >
  • Bản đồ hành chính
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: