|
Hiện nay, Hội LHPN huyện Điện Biên có 21 cơ sở hội, 275 chi hội với 26.165 hội viên. Với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống của hội viên phụ nữ. Trong những năm qua, Hội LHPN huyện Điện Biên đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chị em. Để góp phần quan trọng làm được điều đó, Hội LHPN huyện đã thực hiện tốt công tác ủy thác vốn tín dụng chính sách với Phòng giao dịch NHCSXH huyện, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ vay vốn để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Bà Dương Thị Huệ, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ: Để nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Trong những năm qua, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH đã giúp hàng nghìn hộ gia đình hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng; xây mới, cải tạo công trình vệ sinh, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề thủ công... ngày càng phát triển, đặc biệt đã có nhiều hộ đã mạnh dạn đưa các giống cây, con mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ. Cũng thông qua hoạt động ủy thác vốn tín dụng, trong giai đoạn 2016-2020 hội đã duy trì và phát triển có hiệu quả 70 mô hình phát triển kinh tế trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất kinh doanh dịch vụ do tổ chức hội xây dựng. Qua đó đã giúp cho hàng trăm lượt hộ gia đình phụ nữ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững, đóng góp tích cực vào quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế của huyện.
Ảnh: Mô hình chăn nuôi Bò của Gia đình hội viên Cà Thị Tươi Bản Hồng Sạt xã Sam Mứn huyện Điện Biên
Nhận thức rõ ý nghĩa và trách nhiệm của Hội trong việc trong việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong quá trình triển khai hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách, Hội đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, kiểm tra giá sát … Nguồn vốn ủy thác qua Hội không ngừng được nâng lên về dư nợ cũng như quy mô các chương trình tín dụng, kịp thời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo người dân, đặc biệt là hội viên khó khăn và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính đến cuối tháng 8/2021, tổng dư nợ ủy thác vốn vay thông qua Hội LHPN huyện quản lý là 131,3 tỷ đồng, thông qua 90 tổ TK&VV, với hơn 2.930 lượt hộ vay. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả điển hình như: chị Cà Thị Tươi – Bản Hồng Sạt, xã Sam Mứn với mô hình chăn nuôi Bò sinh sản cho thu nhập hằng năm từ 120 - 150 triệu đồng/năm; chị Lò Thị Liên - bản Tông Khao, xã Thanh Nưa với mô hình nuôi lợn nái sinh sản cho thu nhập hàng năm trên 130 triệu đồng/năm; hay mô hình VAC của gia đình chị Lò Thúy Hồng - hội viên chi hội phụ nữ Bản Pom Lót, xã Pom Lót cho thu nhập bình quân hằng năm đạt trên 80 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí ... Để việc sử dụng vốn của hội viên phụ nữ mang lại hiệu quả cao nhất, gắn với việc nâng cao công tác quản lý nguồn vốn ủy thác. Hội LHPN huyện chỉ đạo các cơ sở Hội tiến hành lập danh sách, khảo sát, đánh giá, phân loại đối tượng hộ nghèo của từng xã, thôn, bản theo đúng quy định; quan tâm đến các hộ gia đình phụ nữ đơn thân, phụ nữ làm chủ hộ, động viên chị em tham gia sinh hoạt, làm thủ tục vay vốn, đề nghị Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho vay. Chỉ đạo Hội cấp xã tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn hội viên vay vốn biết cách làm ăn và sử dụng vốn có hiệu quả, biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi ... Bên cạnh đó Hội còn chú trọng trong công tác: đôn đốc, chỉ đạo Ban quản lý tổ TK&VV tiến hành giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ, trả lãi, thực hành tiết kiệm của tổ viên, tăng cường chỉ đạo giám sát các phiên giao dịch, các hoạt động giao dich của Phòng giao dịch NHCSXH huyện tại xã, giám sát, bảo quản các nội dung công khai của NHCSXH huyện tại các điểm giao dịch, giám sát các hoạt động của Phòng giao dịch NHCSXH tại hộ vay, tổ TK&VV.
Có thể khẳng định rằng: Nguồn vốn ủy thác của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên thông qua Hội LHPN huyện Điện Biên đã góp phần cùng với cả hệ thộng chính trị trên địa bàn huyện thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, từng bước chăm lo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho hội viên phụ nữ và nhân dân, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh tạo được niền tin và uy tín trong hội viên phụ nữ và nhân dân.