• Chữa 'bệnh quan liêu' của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
  • Thời gian đăng: 07/12/2020 03:04:17 PM
  • (TG) - Thấm nhuần lời dạy của V.I.Lênin “Kẻ thù bên trong tệ hại nhất của chúng ta, chính là anh chàng quan liêu... Chúng ta phải gạt bỏ kẻ thù đó”, Hồ Chí Minh khẳng định “bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ.
  • Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cán bộ và công tác cán bộ. Bởi, theo Người: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Đó là một chân lý nhất định”. Cán bộ là dây chuyền của bộ máy, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, toàn bộ máy cũng bị tê liệt, vì họ “là những người đem chính sách của Đảng thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ kém thì chính sách hay mấy cũng không thể thực hiện được”.

    BTG-1.jpg

    Xác định vị trí, vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cánh mạng, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những thứ “bệnh”, nguyên nhân, tác hại và đưa ra “thuốc chữa bệnh”. Thấm nhuần lời dạy của V.I.Lênin “Kẻ thù bên trong tệ hại nhất của chúng ta, chính là anh chàng quan liêu... Chúng ta phải gạt bỏ kẻ thù đó”, Hồ Chí Minh khẳng định “bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, mà có nằm trong các tổ chức ta, để làm hỏng công việc của ta”, “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác… phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm, liêm chính… để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc. Đó là nhiệm vụ quan trọng của mỗi chúng ta”.

    Theo Hồ Chí Minh, “Bệnh quan liêu” là “chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm dân chúng tự giác và tự động”; là “Tham ô, hủ hóa. Trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”, “Bệnh quan liêu... là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm”. Nguyên nhân của “bệnh quan liêu” là “vì xa cách quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình” và “khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa”. Tác hại của “bệnh quan liêu” là vô cùng lớn, bởi vì nó “đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”. Cho nên, “Bệnh quan liêu chỉ đưa đến một kết quả là: hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy”.

    Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênnin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, Đảng ta xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”. Trong những năm qua, cùng với đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng ta thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với sự nghiệp cách mạng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới. “Công tác cán bộ được đổi mới và phát triển mạnh mẽ theo phương châm công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, đạt được một số kết quả quan trọng”. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ cán bộ chưa thực sự phát huy được vai trò, hiệu quả, trách nhiệm trong công tác, tinh thần tự giác trong học tập, tu dưỡng phẩm chất đạo đức lối sống, ý thức tự phê bình và phê bình chưa cao, “nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiền phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”, ngại va chạm, tiếp xúc với nhân dân, không lắng nghe và giải đáp kịp thời ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; đánh giá hiệu quả công việc cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ yếu dựa trên các báo cáo, “lối làm việc bàn giấy”, chưa nghiên cứu tình hình thực tế. Do đó, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị không cao, gây bức xúc trong nhân dân... Những biểu hiện đó đã và đang làm giảm sút ý chí chiến đấu, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết trong nội bộ, là cơ hội để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng nhằm kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, làm giảm lòng tin của nhân dân.

    Quán triệt quan điểm của Đảng về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện có chất lượng Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII… là những giải pháp quan trọng nhằm từng bước “tẩy sạch bệnh quan liêu” của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và phức tạp, xuyên suốt trong tiến trình cách mạng; cần có sự quan tâm, chung sức của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. “Tẩy sạch bệnh quan liêu” cũng là để củng cố, phát huy vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng, theo đó, cần thực hiện tốt những giải pháp sau:

    Một là, thực hiện có hiệu quả chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt, công tác của tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị

    “Mục đích của phê bình giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Chế độ tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc, quy luật phát triển của Đảng ta, thông qua tự phê bình và phê bình giúp cho cán bộ, đảng viên nhận thấy và chỉ ra những ưu, khuyết điểm của mình và đồng chí, đồng đội. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở một số cơ quan, địa phương thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình còn mang tính hình thức, e dè, chiếu lệ, cán bộ cấp dưới không mạnh dạn chỉ ra các khuyết điểm của cấp trên, một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự lắng nghe ý kiến phê bình đồng chí, đồng đội, cấp dưới và quần chúng nhân dân; sau khi phê bình chưa tổ chức rút kinh nghiệm, chưa gắn chế độ tự phê bình và phê bình với chế độ kiểm tra, giám sát và sửa chữa kịp thời.

    “Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ”, “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”. Kết hợp chặt chẽ giữa chế độ tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát của nhân dân, thực hiện đúng nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và giám sát”.

    Thực hiện nghiêm túc chế độ phê bình từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, chủ động tạo các kênh thông tin để nhân dân phản ánh, đánh giá cán bộ, đặc biệt là cán bộ địa phương; giúp cho cán bộ gần dân, nghe dân, hiểu dân để dân dân tin, thể hiện tinh thần, trách nhiệm, trình độ và năng lực của mình trong sinh hoạt và công tác. “Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu”. Phải gắn chế độ tự phê bình và phê bình trong cơ quan, đơn vị với công tác phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân.

    Hai là, thực hiện đúng nguyên tắc trong quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển và đánh giá cán bộ.

    Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, “khi cân nhắc cán bộ, cần phải xét rõ người đó có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem, người ấy xứng đáng với việc gì”, Đảng ta xác định: “Đổi mới và tăng cường công tác cán bộ, tạo sự chuyển biến trong thực tế về đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ chủ yếu theo yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ chế thị trường và chính sách mở cửa”. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác quy hoạch cán bộ; Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ, bảo đảm vai trò lãnh đạo tập trung của cấp ủy đi đôi với việc phát huy trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu; đồng thời mở rộng dân chủ trong việc phát hiện nguồn, phát hiện tài năng. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển và sử dụng cán bộ, bảo đảm khách quan, dân chủ, đúng người, đúng việc, được nhân dân tín nhiệm. Phải “Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”.

    Công tác cán bộ phải nắm vững tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc của chiến lược cán bộ của Đảng và đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của từng cương vị, địa phương, cơ quan. Kiên quyết xử lý nghiêm và đưa ra khỏi bộ máy lãnh đạo những cán bộ có biểu hiện thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức cách mạng, xa rời quần chúng, xa rời thực tiễn.

    Ba là, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách làm việc và năng lực công tác của cán bộ

    Phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách và năng lực công tác là cơ sở, điều kiện để mỗi cán bộ hoàn thành mọi nhiệm vụ trên cương vị chức trách được giao. Thực tế cho thấy, ở đâu và khi nào cán bộ có những biểu hiện hạn chế về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác thì ở đó “bệnh quan liêu” có “cơ sở, điều kiện phát triển”. Do vây, các cấp, các ngành, ở mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên cần “Quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu”.

    Nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài; là sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo, các cơ quan đơn vị và từng cán bộ. Do đó, các cấp, các nghành, các cơ quan đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách thực chất, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, kết hợp với các chế độ kiểm tra, giám sát, sắp xếp, bổ nhiệm, đánh giá và luân chuyển cán bộ.

    Thực hiện đúng nguyên tắc và phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của nhân dân, của tập thể trong đánh giá cán bộ, đảng viên. Kiên quyết, kịp thời xử lý cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thói làm việc quan liêu, không sâu sát thực tiễn...

    Xây dựng kế hoạch, tiến hành có hiệu quả công tác giáo dục, nâng cao năng lực và tác phong công tác của cán bộ, thông qua thực tiễn để đánh giá năng lực công tác và trách nhiệm của cán bộ. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn luyện trong thực tiễn. Thực hiện nghiêm túc chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ. “Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”, cán bộ, người đứng đầu phải làm gương và là tấm gương để nhân dân và cấp dưới học tập và theo; “đặt công việc chung, lợi ích chung lên trên hết, trước hết”.

    Bốn là, rèn luyện phong cách làm việc gần dân, sát thực tế của cán bộ.

    Để chữa “bệnh quan liêu” đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện phương pháp, phong cách làm việc quần chúng, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến góp ý của tập thể, cấp dưới và của nhân dân. Tích cực hoạt động thực tiễn, chủ động nghiên cứu thực tế, rèn luyện khả năng đánh giá, định hướng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động thực tiễn. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân”. Qua đó, cán bộ, đảng viên không những hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà còn học tập được nhiều kinh nghiệm hay của nhân dân. Làm cho mối quan hệ, đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, đảng viên ngày càng bền chặt hơn, để cán bộ, đảng viên thực sự là “công bộc, đầy tớ của nhân dân”.

    Sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới đòi hỏi phải không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Từ thực tế “bệnh quan liêu” ở không ít cán bộ hiện nay, đòi hỏi các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị và toàn hệ thống chính trị phải tích cực, chủ động, linh hoạt và kiên quyết, đảm bảo đúng nguyên tắc, phương châm, quan điểm chỉ đạo trong công tác cán bộ để “tẩy sạch bệnh quan liêu” trong cán bộ. “Mong rằng toàn thể cán bộ ta, ai không mắc bệnh quan liêu phải giữ gìn, tránh nó. Ai đã mắc bệnh ấy, thì phải cố gắng sửa chữa cho khỏi đi, cho xứng đáng với người cán bộ cách mạng, chớ để bị đào thải” (theo BTGTW)

  • Tác giả: Trích dẫn: Nguyễn Ngọc Tuấn
  • Nguồn tin: http://www.tuyengiao.vn/
  • Các tin bài khác:
  • Tuyên truyền Luật An toàn Giao thông cho học sinh trường THCS xã Nà Tấu
    Giải bóng chuyền hơi người cao tuổi
    Tuyên truyền an toàn giao thông
    Liên hoan tuyên truyền Văn hóa tuyến biên giới, biển đảo lần thứ IX khu vực phía bắc năm 2016
    Huyện Điện Biên chủ động phòng chống dịch cúm A/H7N9
    Huyện Điện Biên tổ chức lễ giao nhận quân năm 2016
    Khai giảng lớp trung cấp LLTT
    Người Mông tại bản Pu Lau - xã Mường Nhà vui đón tết truyền thống
    Chuỗi hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân 2017
    Lễ bế giảng lớp đào tạo tiếng Việt cho cán bộ huyện Phôn Thoong tỉnh Luông Pha Băng và huyện Mường Mày tỉnh Phong Sa Lỳ, nước CHDCND Lào
    131-140 of 2060<  ...  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  ...  >
  • Bản đồ hành chính
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: