• Ngô lai - Cây xóa đói, giảm nghèo
  • Thời gian đăng: 25/08/2016 03:01:31 PM
  • Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa giống mới, năng suất, chất lượng cao vào canh tác, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, những năm qua, huyện Điện Biên đã tích cực triển khai các mô hình khảo nghiệm, trong đó có trồng thử nghiệm các giống ngô lai PAC 999, PAC558, PAC669, bước đầu thành công và đem lại hiệu quả tốt. 

  • Trong sản xuất nông nghiệp, giống là một yếu tố quan trọng có tính quyết định đến năng suất, chất lượng nông - lâm sản. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, trong những năm qua thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi huyện Điện Biên đã tích cực triển khai các mô hình khảo nghiệm các giống ngô lai sản xuất trong nước và giống nhập nội nhằm mục đích tìm ra những giống ngô có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương để áp dụng vào sản xuất đại trà, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân. Chính từ những việc làm này, đến nay cơ cấu giống ngô được gieo trồng trên địa bàn huyện Điện Biên ngày càng phong phú, với nhiều chủng loại, trong đó giống ngô lai mới được đưa vào sản xuất đạt 90% diện tích trồng ngô của toàn huyện, tạo bước đột phá về năng suất, sản lượng ngô thương phẩm hàng năm. Cụ thể, nếu như năm 2010 sản lượng ngô của toàn huyện chỉ đạt trên 35.000 tấn, thì đến năm 2015 sản lượng ngô của toàn huyện đã đạt 45.000 tấn. Có thể nói, việc phát triển cây ngô lai đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của toàn huyện, giúp đảm bảo an ninh lương thực và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

    Để tiếp tục tìm ra những giống ngô phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất, chất lượng cao, vụ xuân hè năm 2016, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Điện Biên đã phối hợp với Công ty Advanta thực hiện trồng thử nghiệm các giống ngô lai PAC558 và PAC 669 tại 2 xã gồm Thanh Xương, Thanh Yên. Mô hình được thực hiện nhằm mục đích đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển, tiềm năng năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh và khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của bộ giống ngô PAC, tạo sự tin tưởng cho bà con nông dân, từ đó nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn huyện.

              Vụ ngô xuân hè năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, ở thôn C2, xã Thanh Yên là một trong 20 hộ dân được chọn để triển khai mô hình trồng giống ngô lai PAC 669 trên đất bãi. Với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của Công ty Advanta và cán bộ kỹ thuật của Trạm khuyến nông - khuyến ngư huyện, cùng với sự đầu tư chăm sóc của gia đình, ruộng ngô của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Theo đánh giá của gia đình và những hộ dân tham gia mô hình,  bộ giống ngô mới PAC 999, PAC558, PAC669hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Điện Biên và có những ưu điểm vượt trội về năng suất, khả năng chịu hạn, hạn chế được sâu bệnh hại và chống đổ tốt.

              Qua theo dõi quá trình sinh trưởng và kết quả hội thảo trên đồng ruộng bộ giống ngô lai đơn PAC 999, PAC558, PAC669đều được người dân và cán bộ quản lý nông nghiệp đánh giá cao là giống chất lượng, năng suất cao hơn các giống đang được trồng phổ biến từ 15%  đến 25%. Ngoài ra, bộ giống ngô PAC còn có những đặc tính nông học ưu việt như: hình dạng cây gọn, góc lá đứng, rất phù hợp với kỹ thuật trồng dầy để tăng năng suất. Bộ lá xanh bền tận tới khi thu hoạch là nguồn tận thu làm thức ăn cho gia súc. Cây cao trung bình, chiều cao đóng bắp vừa phải, mật độ đồng đều cao, bộ rễ chân kiềng phát triển khỏe nên có khả năng chống đổ do mưa bão rất tốt.  Bên cạnh đó, bộ giống ngô PAC còn có khả năng chiu hạn khá, ít bị sâu bệnh hại, chỉ bị nhiễm nhẹ bệnh khô vằn nhưng ít ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển và năng suất thực tế của giống. Bắp to, hạt đóng tận đỉnh, trung bình có 16 hàng hạt, số hạt trên mỗi hàng khoảng 45-48 hạt, chiều dài bắp dao động từ 20-25cm, đường kính bắp vào khoảng 4,5cm, màu sắc hạt đẹp, bán được giá, được thị trường ưa chuộng.

              Kết khảo nghiệm cho thấy cả 3 giống ngô PAC 999, PAC558, PAC669đều có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng từ 100 - 105 ngày; cây sinh trưởng khỏe và đồng đều, chống đổ tốt, thời gian trổ cờ và phun râu tập trung làm cho qua trình thụ phấn và đóng bắp triệt để, hạt đóng kín bắp. Về năng suất, theo kết quả thực thu trên đồng ruộng cho thấy, giống ngô PAC 669 đạt 10 tấn/ ha; giống PAC 558 đạt 9,2 tấn/ha.

              Trên cơ sở thành công của mô hình trình diễn 3 giống ngô lai đơn PAC 999, PAC558, PAC669vụ xuân hè năm tới huyện Điện Biên sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân nhân ra diện rộng, để cây ngô lai không chỉ là loại cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, nhất là ở các thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn của huyện./.

  • Tác giả: Phạm Thọ Đài TT-TH huyện Điện Biên
  • Các tin bài khác:
  • Thành Sam Mứn, Thành Bản Phủ và người xây dựng nên Thành
    Giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam (3/3/1959 - 3/3/2019), 30 năm ngày biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2019)
    LỄ HỘI HOA BAN NĂM 2019 VÀ NGÀY HỘI VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH TỈNH ĐIỆN BIÊN LẦN VI
    Người nông dân tiêu biểu trong học tập làm theo Bác
    Huyện Điện Biên triển khai Đề án phát triển toàn diện trẻ em
    Huyện Điện Biên triển khai Kế hoạch số 36a/KH-UBND, ngày 08/01/2019 về tuyên truyền CCHC huyện Điện Biên năm 2019
    GIẢI CẦU LÔNG CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3/2019
    KẾT QUẢ, KINH NGHIỆM BƯỚC ĐẦU TRONG THỰC HIỆN DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA, XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN TẠI XÃ THANH HƯNG HUYỆN ĐIỆN BIÊN
    Các hoạt động Văn hóa - Nghệ thuật hướng tới chào mừng kỷ niệm các ngày Lễ lớn của tỉnh Điện Biên năm 2019
    SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG CÔNG DIỄN PHỤC VỤ CƠ SỞ VÀ CHẤM SƠ KHẢO TẠI CÁC CỤM XÃ CỦA NGÀY HỘI VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH CÁC DÂN TỘC HUYỆN ĐIỆN BIÊN LẦN THỨ VIII, NĂM 2019
    461-470 of 2063<  ...  42  43  44  45  46  47  48  49  50  51  ...  >
  • Bản đồ hành chính
  • Liên kết Website
  • Chọn liên kết:
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: